Thí sinh, em ở đâu?
01/09/2015
Đã qua nửa chặng đường của tuyển sinh ĐH-CĐ đợt 2, vậy mà nhiều trường ĐH dân lập và hầu hết các trường CĐ vẫn dài cổ ngóng thí sinh. Không chỉ các trường CĐ hay ĐHDL mà ngay cả trường công lập tốp sau cũng đang bối rối đặt câu hỏi: Thí sinh, em ở đâu?
Cả dân lập, công lập đều… ngắc ngoải
Trường đại học dân lập (ĐHDL) Lương Thế Vinh (Nam Định) được đánh giá có cơ sở vật chất tốt trên khuôn viên gần 6 ha với trên 60 phòng học đủ chỗ cho 4.000 sinh viên, nhưng từ đầu mùa tuyển sinh đến nay mới tuyển được 4 đến 5 thí sinh.
ĐH Kinh doanh và công nghệ HN, cũng là một ĐHDL đã có bề dày đào tạo bắt đầu ổn định, năm nay nhận 5.000 chỉ tiêu, đã qua nửa đợt 2 tuyển sinh nhưng mới chỉ nhận được hơn 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Hiện còn hơn 3.000 chỗ học đang chờ thí sinh. Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, mọi năm tuyển theo phương thức cũ tốt hơn vì đến thời gian này chỉ tiêu đã hòm hòm, nhưng năm nay dù không thu được lệ phí xét tuyển nhà trường vẫn phải duy trì cả một bộ máy chờ thí sinh đến ghi danh. Có ngày vài chục thí sinh, có ngày chỉ có vài ba thí sinh khiến ông phó hiệu trưởng không khỏi bối rối và thất vọng: chắc chắn không đủ thí sinh, nhưng không hiểu vì lý do gì. Trong khi đó mọi năm trường này rất ung dung chờ thí sinh đến nhập học và thường là tuyển đủ chỉ tiêu.
ĐH Nông nghiệp tuyển 6.800 chỉ tiêu ĐH và 900 CĐ. Đến cuối ngày 31/8 mới tuyển được thí sinh 5.400 ĐH và 260 thí sinh CĐ. ĐH Lâm nghiệp tiếng là trường công nhưng sau đợt 1 cũng chỉ tuyển được dưới 40% chỉ tiêu. Đến giữa đợt 2 rồi nhưng trường này cũng mới chỉ có chưa đến 400 hồ sơ ĐKXT. Một cán bộ của trường phân tích: 400 nghe có vẻ lớn nhưng trong đợt này con số ảo lớn nên may ra có 1/3 thí sinh thực đến. Nhận xét về việc tuyển sinh năm nay, một nhà tuyển sinh tại khu vực Hà Nội nói, năm nay thí sinh đi đâu một cách vô lý!
Thử tìm lời giải
Các nhà tuyển sinh không khỏi bối rối, phân tích tình hình với nhiều ý kiến khác nhau để tìm lời giải cho việc tuyển sinh. Ông Vũ Văn Hóa nói, thôi thì còn được xét đến 20/10 nên cứ yên tâm chờ đợi, rất có thể thí sinh đang lượn lờ đâu đó để tìm đường vào trường công trước, sau đó mới đến lượt trường tư. Tuy nhiên, trường này cũng bắt đầu sốt ruột, đi đến các trường học bậc THPT để nhờ nhà trường giúp đỡ tuyển sinh, đề nghị Bộ cho phép được xét tuyển bằng học bạ… nhưng hiện chưa được duyệt.
Một nhà tuyển sinh khác cho rằng, có thể do Bộ GD&ĐT xác định điểm sàn không chính xác? Bởi lẽ, một thí sinh có thể chọn thi đủ số lượng các môn thi cho cả 3, thậm chí 4 tổ hợp xét tuyển theo các khối A, B, C, D truyền thống và Bộ thì “đếm cua trong lỗ” để xác định điểm sàn nên số lượng thí sinh vượt sàn chưa chắc đã đủ số chỉ tiêu được tuyển của các trường ĐH, khoảng 350.000 chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó phòng đào tạo trường ĐH Lâm nghiệp thì mong muốn Bộ cho phép các trường được vận dụng nới rộng biên độ giãn cách khu vực ưu tiên (0,5 điểm) như của một số trường khó khăn, trường đặc thù (1,0 điểm) để các trường dễ thở hơn.
Nhìn chung, nhận xét của các trường khó tuyển được hỏi hiện nay là: Đang ở thế chờ đợi, không hiểu thí sinh ở đâu và mong Bộ tìm hướng giải quyết, đặc biệt những trường khối nông-lâm-ngư, ĐH vùng.
Đại học “vét” hết sinh viên của cao đẳng
Ngưỡng xét tuyển đầu vào cao hơn mọi năm 1-2 điểm, không được tổ chức thi tuyển, thí sinh chỉ quan tâm đến đại học... đang khiến các trường cao đẳng đứng trước nguy cơ không tuyển được sinh viên.
Tại trường CĐ nghề Kinh tế Công nghệ TPHCM, mặc dù đang trong mùa tuyển sinh, thế nhưng, phòng tư vấn tuyển sinh của trường vắng hoe. Theo đại diện trường này, mọi năm, vào thời điểm này, phòng tuyển sinh nghe điện thoại không xuể, thí sinh và phụ huynh ra vào tư vấn tấp nập. Tính đến thời điểm hiện tại, trường chỉ mới nhận được hơn 200 hồ sơ xét tuyển, nhập học được hơn 100 trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là khoảng 1.600. “Với đà này, chúng tôi chỉ mong tuyển được một nửa so với chỉ tiêu là vui lắm rồi”, vị đại diện nói.
Tương tự, trường CĐ Đại Việt cũng rơi vào tình cảnh khó tuyển khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường có hơn 1.000 nhưng chỉ mới nhận được vài chục hồ sơ xét tuyển. “Quá ảm đạm, tuyển sinh càng ngày càng khó khăn, không biết khi nào mới tuyển được một nửa chỉ tiêu chứ đừng nói đến chuyện tuyển đủ chỉ tiêu”, đại diện trường CĐ Đại Việt nói.
Nói về việc tuyển sinh khó, đại diện của trường CĐ nghề Kinh tế Công nghệ TPHCM cho rằng các trường ĐH quá được ưu ái, “vét” hết sinh viên. Theo đại diện này, 4 đợt xét tuyển ĐH kéo dài khiến thí sinh chỉ chăm chăm vào ĐH mà bỏ qua hệ CĐ, bởi thí sinh không đỗ ĐH đợt này thì còn có các đợt tiếp theo… Bên cạnh đó, những năm trước, các trường ĐH chỉ được tuyển sinh theo kết quả kỳ thi ĐH còn năm nay, nhiều trường ĐH còn được tuyển sinh thêm học bạ (việc này trước chỉ có các trường trung cấp, cao đẳng). “Do đó, nếu thí sinh không đủ điểm sàn 15 điểm để vào ĐH nhưng nếu có điểm học bạ đủ tiêu chuẩn vẫn có thể nộp đơn vào ĐH khiến nguồn tuyển hệ CĐ ngày càng hạn hẹp”, đại diện tuyển sinh trường CĐ nghề Kinh tế Công nghệ TPHCM nói.
Theo ông Lê Lâm, Hiệu trưởng trường CĐ Đại Việt, mác đại học cũng là một trong nhưng yếu tố quyết định đến việc tuyển sinh. “Thí sinh ít nhiều khi nghe tên trường ĐH vẫn thích vào hơn trường CĐ, bên cạnh đó, những ngôi trường có thương hiệu, bề dày vẫn tuyển sinh tốt hơn các trường “sinh sau để muộn””, ông Lâm nói.
Ông Vũ Khắc Chương, hiệu trưởng Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia yêu cầu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào CĐ 12 điểm, ĐH 15 điểm là vô lý. Mức điểm này cao hơn những năm trước (1-2 điểm) nên các trường sẽ khó tuyển sinh. Đáng lẽ ra ngưỡng xét tuyển đại học với điểm sàn cao đẳng phải được nới thành 4-5 điểm, thay vì 3 như đã công bố.
Hồ Thu - Nguyễn Dũng
(Nguồn: tienphong.vn)