Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Có được hủy kết quả trúng tuyển đợt 1?

03/09/2015

Theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển nguyện vọng tiếp theo. Tuy nhiên có được hủy kết quả trúng tuyển để xét tuyển đợt bổ sung hay không đang là một câu hỏi với nhiều thí sinh lựa chọn sai nguyện vọng.

“Mếu” vì trúng tuyển

Năm nay, việc cho phép thí sinh (TS) đăng ký tối đa 4 nguyện vọng khác nhau trong cùng một trường trong đợt 1 xét tuyển vừa qua đã dẫn đến tình trạng nhiều TS trúng tuyển vào ngành không yêu thích. Theo số liệu thống kê từ Trường ĐH Cần Thơ, trong tổng số 9.365 TS trúng tuyển vào trường ở nguyện vọng 1 thì chỉ có 6.020 TS trúng tuyển ngành ở nguyện vọng đầu tiên (chiếm 64,28%). Gần 40% còn lại trúng tuyển vào trường ở những ngành không phải lựa chọn ưu tiên.

Những ngày qua nhiều phụ huynh và TS liên lạc với Báo Thanh Niên bày tỏ mong muốn được hủy kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 do đã trúng tuyển vào ngành không yêu thích để tiếp tục xét tuyển bổ sung vào trường khác.

Trường cho, trường không

Đặt vấn đề này với các trường ĐH, chúng tôi nhận được sự trả lời khác nhau.

Đại diện Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho biết về quy chế và kỹ thuật xử lý, trường không giải quyết được đề nghị hủy kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 cho TS. Bởi lẽ, quy chế từ đầu đã ghi rõ TS trúng tuyển nguyện vọng trước không được tham gia xét tuyển ở nguyện vọng sau. Thực tế các trường không được cấp quyền để xử lý việc này do hệ thống dữ liệu trên phần mềm đã bị khóa.

Trong khi đó, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường này đã tiếp nhận đơn xin hủy kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 của hơn 30 TS đã trúng tuyển vào trường. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), trường này đã tiếp nhận đơn của TS để gửi ra Cục chờ xử lý. Các TS này phải được bỏ tên ra khỏi danh sách trúng tuyển nguyện vọng 1 trên phần mềm xét tuyển của Bộ thì mới có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung.

Lý giải việc này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói: “Với cách thức cho đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay sẽ có không ít TS trúng tuyển vào ngành ở lựa chọn 3-4. Với những TS không muốn theo học mà không cho hủy kết quả sẽ ảnh hưởng tới việc học tập của bản thân TS, đến các sinh viên khác và có thể TS sẽ không theo học được tới cùng”. PGS-TS Dũng nói thêm, quy chế quy định TS trúng tuyển không được xét tuyển đợt sau nhưng trường hợp TS trúng tuyển nhưng không muốn học thì nên được quyền hủy .

Kỹ thuật tuyển sinh không cho phép thực hiện

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết quy chế quy định, với những trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, khi TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong công văn hướng dẫn các trường ĐH, CĐ thực hiện quy chế, Bộ cũng đã nhắc lại yêu cầu này đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc xét tuyển, TS đã trúng tuyển vào trường đợt trước không được tham gia xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo.

Với những trường tham gia xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, việc bắt buộc phải tuân thủ quy chế không chỉ để đảm bảo tính nghiêm minh cho kỳ thi mà còn để tránh gây rối loạn, ảnh hưởng tới việc xét tuyển của các trường khác cùng dùng chung cách thức xét tuyển. Về việc có TS muốn rút tên khỏi danh sách trúng tuyển đợt 1, ông Nghĩa khẳng định kỹ thuật tuyển sinh không cho phép thực hiện điều này cho dù có thể có trường nào đó cho phép.

Ông Nghĩa giải thích: “Quy chế yêu cầu các trường sau khi xác định điểm trúng tuyển cho từng ngành/nhóm ngành hay cho trường phải cập nhật danh sách TS trúng tuyển vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia. Vì thế dẫu cho trường đồng ý để TS “trượt” đợt 1 thì trường vẫn không thể nào xóa tên TS ra khỏi danh sách TS trúng tuyển trên dữ liệu của hệ thống. Do đó các trường xét tuyển các đợt sau cũng không thể nào đưa những TS đã có tên trong danh sách trúng tuyển đợt trước vào danh sách trúng tuyển đợt sau”.

Ông Nghĩa cho rằng trong các đợt xét tuyển, quy chế cho phép các TS chọn tối đa 4 ngành (không nhất thiết phải chọn đủ 4 ngành), trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nhắc nhở TS được quyền chọn tối đa 4 ngành nhưng không nên chọn những ngành mình không yêu thích vì khi trúng tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt còn lại.

Tuy nhiên, với những trường có đề án tuyển sinh riêng và không dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, cả nhà trường và TS không bị ràng buộc bởi các quy định trên.

Hà Ánh - Quý Hiên
Nguồn: thanhnien.com.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang