Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh đại học: “Vơ bèo vạt tép” vẫn không đủ

18/12/2014

Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại phát hiện có những trường vượt chỉ tiêu đăng ký tới gần 40%. Nhưng “phạt cứ phạt, tuyển cứ tuyển” là thực tế nhiều năm qua…

Thản nhiên "vượt rào"

Mới đây, qua kiểm tra 18 trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) về việc tự  xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát hiện sai phạm và đã có văn bản tước quyền tự xác định chỉ tiêu năm 2015 đối với 4 trường. Đó là ĐH Thăng Long, ĐH Công đoàn, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM và CĐ Dược Trung ương. Cả bốn trường này đều đăng ký chỉ tiêu vượt trên 30% trở lên so với năng lực thực tế về đội ngũ giảng viên. 

Ngoài ra, tạm ngừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) vì trường không đảm bảo các điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, chương trình đào tạo, giáo trình và tuyển thí sinh không đủ điều kiện nhập học từ năm 2009 đến năm 2013... 

Trong số 11/18 trường báo cáo sai về đội ngũ giáo viên, một số trường đã xác định đội ngũ giảng viên đang làm nghiên cứu sinh (NCS), thạc sĩ nhưng chưa tốt nghiệp vào danh sách giảng viên có trình độ NCS, thạc sĩ. Thậm chí có trường đưa toàn bộ đội ngũ cán bộ phòng ban vào làm công tác giảng dạy nhưng số giờ lên lớp giảng dạy thực tế rất ít hoặc có trường đăng ký cả số giảng viên dự báo sẽ được tuyển dụng. 

Cụ thể như: Trường CĐ Thương mại, Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và nhiều trường thuộc khu vực phía Bắc.

Có thể nói, đây là vấn đề lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay. Tháng 2/2014, cùng với việc công bố hơn 200 ngành ĐH ngừng tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT cũng công bố 296 ngành CĐ ở 74 cơ sở giáo dục ĐH không đủ điều kiện đào tạo. Tuy nhiên, dù chuẩn tối thiểu không đạt nhưng những ngành này vẫn được Bộ cho tuyển sinh trong năm 2014. 

Đáng nói, nhiều trường có uy tín cũng có tên trong danh sách này như: Trường ĐH Sài Gòn 11 ngành, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM 4 ngành. Nhiều trường ngoài công lập như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Hoa Sen 3 ngành, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng có nhiều ngành không đủ chuẩn. 

Trong số những ngành không đủ chuẩn, rất nhiều ngành giảng viên trình độ đại học không có nhưng đã tuyển sinh gần cả chục khóa với hàng trăm sinh viên/ngành.

Lý giải cho căn bệnh “phạt cứ phạt” này, một vị hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng, chỉ cần thu học phí của 5 - 10 sinh viên là đủ số tiền phải nộp phạt nên trường sẵn sàng chịu phạt để có thêm sinh viên. Thực tế, nhiều trường tuyển vượt 20-40% nhưng chỉ tiêu tuyển mới không giảm mà lại còn cao hơn so với năm trước. 

Chỉ cần có nhiều sinh viên để thu học phí?

Hiện các trường ĐH mở tràn lan, các ngành học cũng tràn lan và hiện đã có tới gần 500 trường ĐH, CĐ. Thế nhưng cách đây ít lâu, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài thực hiện kiểm định thí điểm 20 trường ĐH thuộc “tốp trên” của Việt Nam. 

Kết quả kiểm định cho thấy, không có một trường ĐH nào đạt chuẩn cơ sở vật chất như nhà học, phòng thí nghiệm, giáo trình… còn đội ngũ giảng viên vẫn luôn là “điệp khúc” thiếu và yếu. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là “sản phẩm” của giáo dục đào tạo ĐH có chất lượng thấp, thậm chí là “hàng giả, hàng nhái” không đáp ứng được nhu cầu xã hội. 15 vạn sinh viên thất nghiệp là con số đáng báo động và ai cũng hiểu lỗi là ở chính chất lượng đào tạo, ở chương trình phát triển ĐH không phù hợp với nhu cầu xã hội.

GS.VS Phạm Minh Hạc bày tỏ lo ngại, phải chăng các trường chạy theo “lợi nhuận” nên ra sức vượt chỉ tiêu, thương mại hóa giáo dục ĐH. Thực tế, ở ta chỉ một số trường có ngành đào tạo chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay cả các nước Mỹ, Pháp họ cũng thấy rằng thương mại hóa giáo dục là rất nguy hiểm và đưa ra các giải pháp hạn chế như: giảm ngành của từng trường ĐH; sáp nhập các trường; giải thể những trường chất lượng kém. Còn ở Việt Nam thì dường như chẳng hề có động tĩnh gì để giải quyết vấn đề này. 

“Điều cốt lõi là trường ĐH có đào tạo ra người đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không? Các trường chỉ lo làm sao có nhiều người học để thu nhiều học phí. Đó chính là sự lệch lạc nặng nề” - GS.VS Phạm Minh Hạc đặt câu hỏi.  

Và ở góc độ “người trong cuộc”, nhiều hiệu trưởng trần tình, với các nguyện vọng tuyển sinh hàng năm, có quá nhiều thí sinh “ảo”, nếu trường chỉ tuyển đúng chỉ tiêu, hạn chót các em tới không đủ thì khi đó biết làm thế nào? Thế nên, từ nhiều năm nay, dù các trường ĐH mở ra khắp các tỉnh, thành nhưng vẫn có trường thí sinh đếm trên đầu ngón tay và những trường tốp trên thì “gạt” không hết thí sinh. 

Âu đó cũng là sự cạnh tranh tự nhiên để các trường chưa đạt chất lượng  tự “soi” lại mình…

Bộ không nên dung túng cho các trường vi phạm!

“Việc xác định chỉ tiêu là căn cứ vào điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, diện tích đất… để đảm bảo chất lượng. Vì thế, với những trường không đủ điều kiện như vậy thì chắc chắn chất lượng cũng sẽ không đảm bảo. Khi Bộ giao chỉ tiêu là cũng có sự điều chỉnh đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội, tránh việc nhiều em đổ xô vào ngành “hot” rồi ra trường lại không có việc. Bộ không nên dung túng cho các trường vi phạm, phải coi chỉ tiêu chính là pháp lệnh, là mấu chốt để đảm bảo chất lượng, nên cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc chứ không thể để như hiện nay” - PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. 

Uyên Na
Nguồn: baophapluat.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang