Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tự chủ ĐH: Sinh viên nên chọn trường phù hợp với khả năng tài chính

17/12/2014

Thông qua việc phân tầng giáo dục ĐH, học sinh có thể biết được chất lượng, mức học phí của từng trường để đăng ký vào học trường phù hợp.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục Đại học (ĐH) công lập. Việc đổi mới này nhằm hướng tới tự chủ toàn diện cho các trường ĐH, CĐ trong cả nước trên tất cả các phương diện tự quyết định trong tuyển sinh, tài chính, học phí, quản lý…

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Nghị quyết 77 do Chính phủ ban hành thực chất là thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH đã được Quốc hội thông qua năm 2013.

Từ trước đến nay, nhiều người coi giáo dục ĐH chỉ là một cấp học mà chưa chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội chưa cao nên đòi hỏi phải có sự phân tầng giáo dục ĐH.

Tự chủ về học thuật, nghiên cứu khoa học là yếu tố quan trọng

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, trình độ của người học và nhu cầu học tập của xã hội, từng địa phương là khác nhau nên không thể đánh đồng chất lượng giáo dục của các trường như nhau. Vì vậy, khi phân tầng các trường ĐH, sẽ có những trường ở “tốp” đầu, đáp ứng nhu cầu giảng dạy chất lượng cao và có thể trở thành cơ sở đào tạo uy tín ở khu vực cũng như trên thế giới. Ngoài ra, hệ thống giáo dục ĐH cũng sẽ có trường chỉ cần đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội, địa phương…

Yếu tố quan trọng để các trường ĐH tự chủ là phải tự chủ về học thuật. Khi tự chủ về học thuật thì các trường mới có thể sáng tạo nguồn tri thức mới. Ở nhiều trường ĐH có uy tín trên thế giới đều rất chú trọng đến đầu tư về nguồn lực và kinh phí để thúc đẩy công tác nghiên cứu học thuật, khoa học. Giáo dục Việt Nam có những đặc thù riêng nhưng không thể bỏ qua yếu tố quan trọng này. Vì vậy, để các trường ĐH tự chủ hoạt động một cách hiệu quả, các trường cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu học thuật và khoa học.

Ngoài ra, để các trường tự chủ về học thuật, khoa học tốt thì phải được giao quyền tự chủ về tài chính, mức thu học phí và quản lý. Các trường được giao nhiều quyền hơn khi thực hiện tự chủ thì cũng có nghĩa là phải chịu trách nhiệm toàn diện trước việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Khi các trường ĐH thực hiện tự chủ toàn diện thì các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như bản thân các trường phải nghĩ tới có cơ chế học bổng cho sinh viên nghèo đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Còn những sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn nhưng sức học cũng chỉ ở mức trung bình thì có thể chọn lựa trường ĐH xếp hạng ở mức trung bình, phù hợp với khả năng học tập của họ để học.

Về phía các trường cũng tự nhận thức rằng, không phải cứ đưa ra mức học phí bao nhiêu là người dân và sinh viên có thể chấp nhận vào học với mức giá đó. Điều quan trọng quyết định mức học phí trường phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đào tạo của từng trường ĐH.

Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tăng mức cho vay để sinh viên có thể đóng tiền học ở những trường thu học phí cao, GS.TSKH Vũ Minh Giang lại bày tỏ sự băn khoăn vì nếu như Chính phủ đồng ý tăng mức tối đa cho sinh viên nghèo vay vốn để trang trải học tập khi mức học phí của các trường tăng lên. Bởi vì, Việt Nam còn là một nước nghèo, còn nhiều lĩnh vực phải đầu tư nên nếu Chính phủ cứ tăng mức cho sinh viên nghèo vay vốn để học ĐH thì có thể dẫn đến bội chi ngân sách. Những khoản cho vay phải tính đến trường hợp rủi ro là sinh viên không trả được trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như không tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp...

Phân tầng giáo dục là cách tốt nhất để người học lựa chọn trường

“Những sinh viên có năng lực học tập xuất sắc nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn thì Chính phủ và các trường ĐH vẫn phải đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho em đó. Còn những học sinh nào mức học tập bình thường hoặc trung bình khá có thể lựa chọn trường phù hợp khi sắp tới, Bộ GD-ĐT phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ. Qua đó, sẽ có trường ĐH ở tốp đầu, tốp giữa hoặc ở mức trung bình. Như vậy, học sinh có thể biết được chất lượng, mức học phí của từng trường để chọn lựa nên đăng ký vào trường nào phù hợp với sức học, khả năng tài chính của gia đình” - GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH cũng là hướng tới cơ cấu lại ngành nghề đào tạo cho xã hội. Theo đó, không nhất thiết tất cả học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học ĐH mà có thể chuyển sang học nghề phù hợp với năng lực của bản thân.

Tự chủ ĐH sẽ giúp cho các trường nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Khi chất lượng giảng dạy tăng lên thì nhiều trường có thể trở thành những trường có thương hiệu trong khu vực và thế giới. Và nhờ vậy, họ có thể thu hút học sinh, sinh viên từ nước ngoài đến học tập. Tuy nhiên, không phải là trường ĐH nào cũng có thể tự chủ và giám đứng lên tự chủ một cách toàn diện khi mà hiện nay, phần lớn các trường ĐH, CĐ ở nước ta đều được Nhà nước bao cấp về ngân sách để hoạt động.

Vì vậy, Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập là cần thiết nhằm để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi cho ngân sách Nhà nước.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, quá trình giao cho các trường ĐH công lập tự chủ một cách toàn diện nên được tiến hành sớm. Quá trình mở rộng cho các trường ĐH công lập tự chủ một cách toàn diện cần được nhìn nhận và đánh giá hoạt động thí điểm tự chủ của một số trường trước khi áp dụng đại trà. Việc làm này cần được thực hiện dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ GD-ĐT./.

Bích Lan
Nguồn: vov.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang