Những vấn đề cần lưu ý trong kỳ thi THPT quốc gia 2015
13/12/2014
Tại hội nghị tập huấn, trao đổi thông tin về ngành giáo dục - đào tạo diễn ra mới đây tại TP Đà Lạt, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, khẳng định đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT và chủ yếu lớp 12. Đề thi đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Kế thừa những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước - chuyển hướng theo đánh giá năng lực thí sinh, kỳ thi này sẽ có những câu hỏi vận dụng, dạng mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để giải quyết vấn đề chứ không yêu cầu máy móc nhớ số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu. Như thế sẽ tránh được tình trạng học tủ, học vẹt như trước đây. “Hướng đổi mới ra đề này cũng góp phần thay đổi cách dạy, cách học, cách thi - nguyên nhân gây căng thẳng, tạo áp lực cho người học và dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, kể cả sử dụng “phao thi” - ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh như thế.
Vậy điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia này là gì?
Việc tổ chức cụm thi theo hướng mở rộng sẽ tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức cho thí sinh, gia đình của họ. Dự kiến sẽ có 34 cụm thi trong cả nước và những vùng đặc biệt khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam nếu địa phương có yêu cầu sẽ được Bộ GD-ĐT xem xét tổ chức cụm thi riêng tại tỉnh với mô hình thống nhất.
Ông Trần Văn Nghĩa lưu ý thí sinh ghi rõ môn thi, mục đích trong phiếu đăng ký thi THPT là xét tuyển tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH, CĐ. Học sinh học tại trường nào đăng ký tại trường đó, đối với những thí sinh tự do thì đăng ký tại các sở GD-ĐT, sau đó sở sẽ chuyển về cụm thi.
Phương thức xét tốt nghiệp THPT vẫn giữ ổn định như năm trước kết hợp kết quả học tập các môn ở lớp 12 của học sinh và kết quả 4 môn thi tối thiểu. Điều này sẽ khắc phục việc học lệch, phù hợp với tinh thần đổi mới thi cử. Điểm mới nữa là sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới được đăng ký vào các ngành của trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu và 3 môn thi tự chọn khác theo nguyện vọng. Việc này giúp thí sinh được tuyển vào những trường phù hợp với kết quả thi của mình và các trường tuyển sinh cũng chọn được thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo. Điều này cũng tránh tình trạng rủi ro như trước đây thi đậu điểm cao nhưng vẫn rớt ĐH.
Theo Bộ GD-ĐT, trong số 428 trường ĐH, CĐ gởi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD-ĐT, tất cả các trường đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Điều đáng nói là có gần 200 trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi chung, vừa sử dụng kết quả học bạ phổ thông để xét tuyển. Xung quanh vấn đề liên thông, vẫn giữ nguyên quy chế như trước đây. Điểm khác nhau là khi vào học, thí sinh hệ liên thông, nếu được miễn môn học và tín chỉ nào thì do hội đồng nhà trường quyết định.
Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh, có quyền lựa chọn môn thi tuyển sinh thay thế môn thi theo khối nhưng phải triển khai nghiêm túc, khoa học, không gây xáo trộn, khó khăn cho học sinh. Để duy trì khối thi truyền thống không gây bất ngờ, bị động cho thí sinh, khi muốn thay đổi, bỏ khối thi nào thì các trường phải ra thông báo công khai trước 3 năm.
Việc xét tuyển ĐH, CĐ phải công khai, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, tránh xét tuyển ảo. Lệ phí thi vẫn như cũ (35.000 đồng/môn).
KHÁNH BÌNH
Nguồn: sggp.org.vn