Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Băn khoăn việc tổ chức 2 loại cụm thi

08/12/2014

Trong vài ngày tới Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về Quy chế thi năm 2015. Hiện tại, nhiều ý kiến còn rất băn khoăn về việc kỳ thi năm nay sẽ tổ chức 2 loại cụm thi, một do các trường đại học tổ chức, một do các địa phương tổ chức.

Phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

- Phóng viên: Bộ GD-ĐT chuẩn bị ban hành quy chế thi năm 2015. Dự kiến vẫn sẽ tổ chức 2 loại cụm thi. Ông có yên tâm về điều này?

>> Ông ĐÀO TRỌNG THI: Tôi chỉ lo đổi mới thi cử năm nay bằng một kỳ thi quốc gia nhưng cũng chẳng khác với kỳ thi năm 2014 vì nội dung chưa đổi mới nên chưa thể có những bài thi đánh giá năng lực học sinh. Vẫn sẽ chỉ là những bài thi kiểm tra kiến thức là chính vì chúng ta chưa đổi mới cách dạy, cách học. Vì vậy, chắc chắn tới đây sẽ phải tiếp tục đổi mới thi cử theo hướng đánh giá được năng lực học sinh. Việc có quá nhiều đổi mới thi cử như vậy sẽ gây bức xúc trong xã hội. Điều này không cần thiết, không hiệu quả. Kỳ thi năm 2014 nếu chỉ cần điều chỉnh thêm thì không vấn đề gì. Nhưng năm 2015 này đổi mới đến mức gây cho xã hội phân tâm, học sinh lúng túng thì đó không phải là cách tiếp cận hay.

Cái mới của kỳ thi năm nay không nằm ở môn thi vì vẫn gần như cũ. Cái mới và sốc nhất chính là các cụm thi. Việc giao cho các trường đại học tổ chức cụm thi chính là nét mới nhất, gây sốc nhất. Đây chính là điều mà Bộ GD-ĐT phải cân nhắc khi chính thức ban hành quy chế thi năm 2015. Từ trước đến nay, thi đại học được coi là kỳ thi nghiêm túc. Còn thi tốt nghiệp THPT thường bị đánh giá còn dễ dãi, nên giờ chuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT sang 1 kỳ thi quốc gia thì phải cân nhắc. Nhất là việc tổ chức 2 cụm thi (một do các trường đại học tổ chức, một do địa phương tổ chức) là rất khác nhau về tính chất. Đánh đồng 2 cụm thi với một mặt bằng điểm, cùng cách đánh giá là không ổn. Có thể có trường hợp học sinh học tốt hơn nhưng lại trượt tốt nghiệp do thi ở cụm thi trường đại học tổ chức và ngược lại. Điều đó sẽ gây bức xúc, thiếu tin tưởng trong xã hội. Thà chỉ 1 cụm thi tổ chức ở các trường đại học thôi, dù khó nhưng sẽ bảo đảm công bằng.

- Ông có lo ngại với 1 kỳ thi này, việc tuyển sinh đại học năm 2015 có thể có phát sinh nhiều hạn chế, tiêu cực?

Tôi cho rằng năm đầu chưa có nhiều. Vì các trường, người học sẽ còn phải nghiên cứu xem sơ hở chỗ nào để đối phó. Ví dụ như các trường đại học tuyển cụm này, cụm kia, không nhận cụm địa phương thì có thể có những người chỉ thi tại địa phương để có điểm cao, rồi xét tuyển chỗ này chỗ kia. Có những trường tìm mọi cách để thu hút học sinh vào. Như vậy những trường làm nghiêm túc lại mất nguồn. Chuyện này làm không khéo, không cẩn thận thì dễ xảy ra lộn xộn. Có một sự thật là người ta lúc nào cũng tìm mọi cách để tìm ra lỗ hổng của quy trình. Còn người thiết kế thì hàng năm thay đổi để hạn chế lỗ hổng. Như thế, chỉ suốt ngày đối phó nhau.

- Vậy theo ông làm thế nào để không còn đối phó?

Tôi từng hy vọng thi cử về sau sẽ thi theo kiểu bài thi tổng hợp, đánh giá năng lực học sinh mà ĐHQG Hà Nội đã công bố. Đấy là phương pháp đổi mới căn bản kể cả hình thức, nội dung thi cử. Tổ chức thi các bài thi chuẩn hóa trên máy tính. Phương pháp này hạn chế được hầu hết điểm yếu của thi cử hiện nay. Nhưng phương án này chưa thể làm ngay và đại trà được. Sau khi đổi mới Chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học thì lúc đó chúng ta mới thi kiểm tra đánh giá năng lực người học được. Chuẩn bị cho phương án này phải rất lâu và công phu. ĐHQG Hà Nội đã chuẩn bị từ mười mấy năm nay nhưng cho đến nay vẫn chưa thật an tâm. Ngân hàng đề thi có phù hợp với mình không cũng rất là khó. Thứ hai là phải chuẩn bị cơ sở vật chất, phải sử dụng hệ thống máy tính, mạng để thi theo kiểu đó. Người sử dụng, người áp dụng cũng không thể làm ngay, phải tập huấn bài bản để làm.

- Sau đổi mới thi cử năm 2015, có thể lại tiếp tục đổi mới trong năm 2016. Ông có cho rằng điều này sẽ khiến học sinh lúng túng?

Đổi mới thi cử là cần thiết, nhưng chúng tôi cho rằng nòng cốt để đổi mới giáo dục phổ thông chính là đổi mới CT-SGK, trong đó có đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá - thi cử. Còn đổi mới thi cử trước thì có thể đúng như Bộ GD-ĐT nói, đó là khâu đột phá. Tức là trong lúc chúng ta chưa chuẩn bị được những đổi mới mang tính chất lâu dài và cơ bản thì chúng ta có thể làm một số đổi mới mang tính hình thức, đó là đổi mới thi cử. Đổi mới thi cử chỉ là hình thức, vì chúng ta chưa đổi mới về nội dung.

- Xin cảm ơn ông!

LÂM NGUYÊN thực hiện
Nguồn: sggp.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang