Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Thi THPT quốc gia 2017: Phương án thi trắc nghiệm được ủng hộ

15/09/2016

Hầu hết các chuyên gia của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án tổ chức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đang được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội. Theo các chuyên gia, thi trắc nghiệm vừa cho phép bao quát diện rộng về kiến thức, vừa bảo đảm tính khách quan trong chấm thi. 

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT, đây không phải kỳ thi tuyển chọn nhân tài mà là kỳ thi phân loại dành cho số đông, nên thi trắc nghiệm khách quan là phù hợp nhất, đánh giá toàn diện học sinh nhất ở hầu hết các môn học.

Nếu tiếp tục thi theo hình thức tự luận sẽ không khách quan vì mỗi kỳ thi tốt nghiệp có đến 99% số học sinh đỗ tốt nghiệp. Nếu Bộ tiếp tục duy trì như kỳ thi 2016 với 3 môn bắt buộc và các môn còn lại là tự chọn vẫn dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, học tủ, ngay từ đầu lớp 10.

Từ đó, mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh THPT tại Nghị quyết 29 không đạt được. “Trước đây, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã nhiều lần góp ý điều hệ trọng này nhưng không được chấp nhận. Do đó, Hiệp hội ủng hộ phương án đổi mới thi năm 2017 của Bộ GD-ĐT” - TS Khuyến nhấn mạnh.

Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều ngày 13.9, PGS-TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng tái khẳng định, Hiệp hội đánh giá cao việc Bộ GDĐT công bố dự thảo phương án thi và tuyển sinh 2017 sớm ngay từ đầu năm học (thay vì phải chờ đến tháng 3 như các năm trước) cũng như ủng hộ phương án thi năm 2017 theo hình thức trắc nghiệm.

Bởi đề thi và đáp án xây dựng dưới dạng trắc nghiệm sẽ đảm bảo độ khách quan cũng như hướng tới sự chuẩn mực (như Đại học quốc gia Hà Nội đã và đang thực hiện). Với kiểu đề thi như vậy, kết quả thi có thể dùng cho một số năm và trong trường hợp thi trên máy tính có thể hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như hiện nay.

Bên cạnh đó, đề thi dạng này cũng sẽ bám sát yêu cầu của chương trình đào tạo trung học phổ thông để đánh giá năng lực người học. Không chạy theo thành tích dẫn tới tỉ lệ tốt nghiệp quá cao một cách vô lý.

Đặc biệt, theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), mỗi phương pháp thi đều có ưu, nhược điểm riêng. Song không phải ngẫu nhiên các nước trên thế giới chọn thi trắc nghiệm là chính.

Vì thi trắc nghiệm cho phép đánh giá bao quát diện rộng về kiến thức, đồng thời đảm bảo chấm thi khách quan (trong khi thi tự luận giúp đánh giá năng lực tư duy cá nhân, sáng tạo của thí sinh, nhưng có nhược điểm là phụ thuộc vào người chấm).

“Với kỳ thi có quy mô hàng triệu thí sinh tham gia, đề thi phải xây dựng theo tiêu chuẩn nhất định thì trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với tự luận. Nếu thi trắc nghiệm thì chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng đề thi. Chất lượng đề thi có thể khắc phục được bằng cách xây dựng ngân hàng đề thi thật tốt. Trong khi đó, thi tự luận, trong nửa tháng phải chấm hàng triệu bài thì không thể đảm bảo tất cả người chấm thi đều giỏi và chất lượng kỳ thi sẽ bị ảnh hưởng” - GS Thiệp phân tích.

Cùng quan điểm ủng hộ phương án thi năm 2017 của Bộ GDĐT, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, kỳ thi này chỉ chọn ra những thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT với yêu cầu đảm bảo kiến thức cơ bản bậc phổ thông, đồng thời có thể phân loại thí sinh để giúp các trường ĐH sử dụng kết quả này trong tuyển sinh nên hình thức thi trắc nghiệm là phù hợp.

“Thi trắc nghiệm khách quan vẫn có thể đo lường được tư duy logic, lập luận, phân tích chọn phương án đúng. Tuy nhiên, việc Bộ GDĐT có đủ khả năng chuẩn hóa đề thi tốt hay không còn do Bộ tổ chức như thế nào, Bộ có huy động chuyên gia có năng lực hiểu biết để tham gia vào xây dựng đề thi không? Đề thi tốt sẽ quyết định sự thành công của kỳ thi” - bà Nga phân tích.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất, theo lộ trình, Bộ nên cho thi tất cả các môn theo kiểu thi tổng hợp theo hướng đánh giá kiến thức kỹ năng cơ bản, ra đề thi đúng mục tiêu thì thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản sẽ đỗ tốt nghiệp.

“Học sinh nước ngoài học nhẹ nhàng, nhưng về sau lại thành công hơn, bởi họ có kiến thức toàn diện và năng lực tự học. Việc thi cử của Việt Nam nên điều chỉnh theo hướng này” - PGS-TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Còn đối với xét tuyển ĐH, CĐ 2017, lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, Bộ GDĐT đã tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh (như quy định tại Điều 34 Luật Giáo dục đại học) là đúng.

Song Bộ cũng cần mạnh dạn giao cho một trung tâm khảo thí trong vai trò của một tổ chức dịch vụ công ích đảm nhận tổ chức việc xét tuyển sinh chung cho phần lớn các trường, khi các trường có đề nghị, để vừa thỏa mãn nguyện vọng lựa chọn ngành đào tạo của người học, đồng thời tôn trọng tiêu chí tuyển sinh riêng biệt của từng trường.

Chỉ tiêu tuyển sinh và tiêu chí tuyển sinh vào các trường cần được xem xét chặt chẽ xuất phát từ năng lực đào tạo và sứ mệnh (bậc, hạng) của mỗi trường. Riêng các trường thuộc hệ thống đại học cộng đồng (105 trường) và các trường tư không bị khống chế về nguồn tuyển, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học; đồng thời, cho phép các trường tổ chức xét tuyển vào đại học và cao đẳng mỗi năm hai hoặc nhiều lần.

K.Thoa
(laodongthudo.vn – 15/09/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang