Thi THPT quốc gia 2017: Có kịp chuẩn bị bài thi tổng hợp?
08/09/2016
Bộ GD-ĐT đang dự kiến phương án thi mới cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Thay vì 8 môn thi như trước đây, Bộ sẽ tổ chức 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm.
Bài thi tổng hợp khác bài thi tích hợp
Đó là khẳng định của GS Lâm Quang Thiệp, ĐHQG TP.HCM.
GS Thiệp nhận định hai điểm mới của phương án dự kiến cải tiến cho năm 2017 - sử dụng các bài thi tổng hợp cho nhiều môn, và có thêm một số môn mới áp dụng phương pháp trắc nghiệm - hoàn toàn không đáng lo lắng.
Theo ông, cần phải làm rõ bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội là các bài thi “tổng hợp” chứ không phải “tích hợp”.
Tức là, các bài thi này được xây dựng bằng cách gộp ba đề thi riêng biệt của từng môn. Mỗi câu hỏi trong đề chỉ liên quan đến một môn, chứ không phải vận dụng kiến thức của 2, 3 môn để trả lời một câu hỏi.
Chẳng hạn, bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) có thể gồm 60 câu hỏi, mỗi môn có 20 câu.
"Hiện nay, phương pháp dạy và học các môn tách biệt chứ chưa tích hợp nên cách ra đề tổng hợp không hề tạo khó khăn nào cho các thí sinh làm bài thi” - GS Thiệp giải thích.
Đối với những môn xã hội lần đầu tiên áp dụng phương thức thi trắc nghiệm như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, ông Thiệp cũng cho rằng “không khó”.
“Nhưng muốn làm tốt phải đúng quy trình” - ông Thiệp lưu ý.
Quy trình đó là xây dựng ngân hàng câu hỏi rồi thử nghiệm ở học sinh lớp 12. Sau đó là chỉnh sửa các câu hỏi lỗi được phát hiện trong quá trình thử nghiệm…
Còn PGS Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội thì cho biết những đề thi trắc nghiệm của VN đều lấy kinh nghiệm của thế giới.
Năm 2008, khi chủ trương chuẩn bị kỳ thi đánh giá năng lực, ĐHQG Hà Nội đã phải cử người đi Anh, đi Mỹ, đi Đức để học cách làm đề thi. Ông Nhã cũng là một trong những người tham dự các đợt đi học làm đề này.
“Trắc nghiệm là một trong những loại hình đánh giá. Hạn chế của phương pháp này là không phát huy được tính sáng tạo khi câu trả lời chỉ có phương án đúng và phương án sai. Nhưng cái được là đánh giá nhanh, cụ thể, chứ không chung chung" - ông Nhã nói về đặc điểm của trắc nghiệm.
“Để ra được một đề thi trắc nghiệm, những nhà toán học, vật lý hay hóa học phải là những người lão luyện, biết 10 nói 1, nếu không sẽ ra câu trả lời chung chung. Cũng có những vùng cấm, không đưa vào đề thi trắc nghiệm được. Nhưng cũng như lái xe ô tô, lái giỏi thì cứ lái mà không phải suy nghĩ gì nữa, còn mới chập chững lúc nào cũng lo tay côn tay phanh thì khi đi vào đường cao tốc chỉ có chết” – ông Nhã so sánh.
“Để đánh giá con người có nhiều phương thức khác nhau. Nhưng để đánh giá đồng loạt nhiều người trong thời gian ngắn thì trắc nghiệm là phương thức ổn nhất. Bởi vì, không thể phỏng vấn hàng trăm nghìn thí sinh được”.
“Đánh giá năng lực của cá nhân phải hài hòa nhiều phương thức. Trắc nghiệm chỉ là một mặt. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay để đánh giá một số lượng lớn thí sinh, thay thế cho 3h ngồi làm bài tự luận, thì trắc nghiệm là phương thức tối ưu.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho phương pháp trắc nghiệm, các trường có thể áp dụng thêm các hình thức thi vấn đáp, phỏng vấn sâu… để đảm bảo đánh giá chính xác”.
1 năm hay 3 năm?
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận: "Mỗi năm thay đổi một lần cách thi cử, nhất là liên quan đến nội dung thì thí sinh sẽ không kịp chuẩn bị, các trường cũng không kịp hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Do đó, phải tính toán để có lộ trình. Có thể 3 năm sau mới thi theo kiểu này vì lúc đó học sinh vào lớp 10 sẽ có thời gian".
Còn ông Nguyễn Văn Nhã nêu kinh nghiệm trước đây, ĐHQG Hà Hội phải mất 5 năm để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực đầu tiên với các bài thi trắc nghiệm.
“Vạn sự khởi đầu nan, nhưng ĐHQG Hà Nội đã áp dụng suôn sẻ được hai năm, coi như đường đã thông rồi. Vì vậy, theo tôi, chuẩn bị trong vòng một năm là Bộ làm được.
Những sai sót của các môn thi trắc nghiệm đã thực hiện có thể rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt cho bài thi tổng hợp tới đây” – ông Nhã nêu quan điểm.
GS Lâm Quang Thiệp cũng cho rằng một năm là đủ thời gian để xây dựng ngân hàng câu hỏi và thử nghiệm các câu hỏi ở học sinh lớp 12,
"Bộ muốn làm tốt công việc này phải chỉ đạo tập trung".
“Bộ phải có một bộ phận chuyên làm đề thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi và thử nghiệm suốt từ nay đến lúc thi. Đó là việc phải bắt tay ngay vào làm chứ không thể chờ đến tháng 5 hay tháng 6 năm sau mới tập trung một số người lại để ra đề như cách làm đề từ trước tới giờ”.
Ngân Anh
(vietnamnet.vn – 08/09/2016)