Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Tiếp tục hành trình tìm phương án tối ưu

06/09/2016

Trước những bất cập của kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã xây dựng phương án thay đổi việc tổ chức kỳ thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2017. Hiện Bộ GD-ĐT đang tham khảo ý kiến dư luận rộng rãi để tìm phương án tuyển sinh tối ưu.

Không mặn mà đại học?

Theo thống kê, sau đợt xét tuyển thứ nhất, số thí sinh đã xác nhận nhập học ĐH là 230.000. Còn tại đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên, trong số thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung có trên 25% thí sinh được trên 20 điểm ở các khối A, B, C, D. Kết thúc ngày 31-8, có 48.860 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào 80.950 lượt trường với 144.600 nguyện vọng. Số liệu cho thấy nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào một trường duy nhất và bình quân mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 nguyện vọng trên tổng số 6 nguyện vọng tối đa. Sau đợt bổ sung 1, mặc dù điểm chuẩn ở một số trường có giảm chút ít, vẫn còn hàng chục nghìn chỉ tiêu chưa được lấp đầy. Riêng khối trường quân đội có hàng nghìn chỉ tiêu chưa tuyển đủ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích về tình trạng “ế ẩm” của một số trường: Trước hết, thị trường việc làm là yếu tổ ảnh hưởng đầu tiên đến sự lựa chọn của thí sinh. Nếu những năm trước đây khối ngành kinh tế, quản lý, ngân hàng… được nhiều thí sinh lựa chọn thì nay khối ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh thuận lợi hơn. Có không ít thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích nên đã không nộp đơn xét tuyển vào ngành khác mà chấp nhận học lại để sang năm thi. Quan trọng không kém, ý thức phân luồng của thí sinh cũng đã rõ ràng hơn. Những thí sinh thấy khả năng học ĐH không tốt đã chọn đi học nghề ngay từ đầu. Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay cho thấy có đến 30% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Ngoài ra, còn một số học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nước ngoài, một số khác đi học nghề hay tham gia thị trường lao động… Việc tăng học phí ở cả trường công và trường tư cũng có những tác động nhất định, khi thí sinh buộc phải cân nhắc, tính toán để so sánh và nghĩ tới hiệu quả đầu tư.

Với quy định điểm chuẩn đợt sau không cần cao hơn đợt trước, nhiều thí sinh đã phải tiếc nuối khi trường mình yêu thích đã hạ điểm trong khi bản thân lại trúng tuyển ở một trường khác. Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: Năm 2016, quy chế không cho phép thí sinh rút, nộp hồ sơ để khắc phục bất cập đã xảy ra vào năm 2015. Để hỗ trợ thí sinh tránh bớt rủi ro, quy chế đã cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng và được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học. Như vậy, khi đã trúng tuyển đợt 1 rồi mà thí sinh thấy không thích ngành, trường đã trúng tuyển các em vẫn còn cơ hội sửa sai bằng cách không nộp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Còn khi thí sinh đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi thì có nghĩa là các em đã chấp nhận nguyện vọng trúng tuyển.

Hoàn thiện phương án thi và xem xét lại chỉ tiêu

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lấy ý kiến về phương án thi. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, về phương thức tổ chức thi, Bộ có chủ trương tiếp tục thực hiện và hoàn thiện phương án năm 2016. Việc tổ chức thi tại cụm tỉnh như năm 2016 đã cho thấy địa phương hoàn toàn có thể thực hiện được. Còn vấn đề xét tuyển vào các trường ĐH, Bộ vẫn thực hiện như năm 2016 là kỳ thi hai mục đích: Kết quả thi vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp vừa để xét tuyển vào các trường ĐH. Bộ trưởng cho rằng, nhiều trường ĐH chưa có kinh nghiệm nên chưa thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng.

Hiện Bộ GD-ĐT đang xem xét 2 phương án. Phương án thứ nhất: Thi 5 bài đối với thí sinh hệ giáo dục THPT gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Phương án thứ hai: Thí sinh hệ giáo dục THPT thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và chọn một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. 

Trong năm tới, Bộ sẽ có cải tiến thi là mở rộng đánh giá toàn diện học sinh, tránh học lệch học tủ bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát. Cụ thể, thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm tổng hợp đối với môn toán, khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Việc thi trên giấy, chấm thi trên máy sẽ giúp khắc phục vấn đề chưa chuẩn xác trong chấm thi và tình trạng học lệch của học sinh.

Bên cạnh việc hoàn thiện phương án tuyển sinh, Bộ và các trường cũng sẽ nghiêm túc xem xét lại chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017. Bởi có thể chỉ tiêu được xác định cao hơn năng lực đào tạo hiện có đã gây nên hiện tượng "ảo" trong xét tuyển. Bộ sẽ tăng cường bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng chỉ tiêu - chất lượng không khớp với nhau. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng: Các cơ sở đào tạo cần có sự điều chỉnh thích hợp căn cứ vào tình hình thực tế. Khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, hầu hết các trường chỉ căn cứ vào năng lực đào tạo tối đa của trường mà chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Trong khi đó, thực tế cho thấy ngày nay thị trường việc làm mới là yếu tố mang tính quyết định tới sự lựa chọn của thí sinh thay vì coi việc vào ĐH là sự lựa chọn duy nhất.

Khánh Vũ
(hanoimoi.com.vn – 06/09/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang