Ngay sau khi kết thúc kì thi THPT Quốc Gia năm 2016, bộ GD&ĐT đã nhanh chóng tổ chức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi và bổ sung cho kì thi THPT Quốc Gia 2017. Theo họp báo ngay trước thềm khai giảng năm học mới, chiều ngày 4/9 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những giải đáp thắc mắc trực tiếp với cơ quan thông tấn báo chí về các vấn đề liên quan đến việc tổ chức kì thi THPT Quốc Gia năm 2017, theo đó kì thi sắp tới sẽ có những điều chỉnh sao cho phù hợp nhất, đáp ứng đúng mục đích của kì thi, hướng đến đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện nhất.
Bộ cũng chỉ đạo trực tiếp về các Sở GD- ĐT, các trường Đại học, Cao đẳng để lắng nghe những ý kiến đóng góp trực tiếp, dự kiến vào ngày 10/9 tới Bộ sẽ công bố phương án chính thức về việc tổ chức kì thi THPT Quốc Gia 2017 để học sinh có thể yên tâm ôn tập.
Sẽ có 5 bài thi trong kì thi THPT Quốc Gia 2017
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến từ nhiều đơn vị khác nhau, đóng góp, bổ sung và sử đổi về phương án tổ chức. Về cơ bản, vẫn sẽ giữ nguyên phương án tổ chức kì thi 2 chung, tức là vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT vừa dùng kết quả trên để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Ngoài ra dự kiến kì thi THPT Quốc Gia 2017 sẽ có sự thay đổi về bài thi. Có 2 phương án được hướng đến:
Phương án 1: Sẽ có 5 bài thi trong kì thi THPT Quốc Gia 2017, theo đó bài thi môn Toán, Văn, Anh là bài thi bắt buộc, ngoài ra sẽ có bài thi Khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Phương án 2: Tổ chức theo 2 bài thi tích hợp: Khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Anh).
Tuy nhiên, phương án 1 được đa số mọi người đồng tình và nó cũng khá phù hợp với nền giáo dục nước nhà hiện tại, thay đổi trên cũng hướng đến tổ chức kì thi theo xu hướng quốc tế, đánh giá năng lực thí sinh một cách toàn diện nhất. Ngoài ra, tổ chức theo phương án 1 sẽ có ít sự thay đổi hơn, tránh vô tình tạo áp lực cho thí sinh và cố gắng duy trì phương án thi một cách lâu dài.
Ngoại trừ môn Văn, tất cả các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm
Nếu đúng theo những gì mà dự thảo đã nêu thì kì thi THPT Quốc Gia 2017 sẽ chỉ có môn Ngữ Văn thi tự luận, còn các môn khác đều thi theo hình thức trắc nghiệm, môn Ngữ văn sẽ do cán bộ chấm còn các môn trắc nghiệm sẽ có phần mềm máy tính chấm điểm. Như vậy môn Văn thi tự luận trong vòng 120 phút, môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ có 40 câu hỏi dành cho thí sinh trong vòng 60 phút. Các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội sẽ có 50 câu hỏi với thời gian làm bài là 90 phút.
Cũng trong buổi họp báo chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết thêm, đề thi cơ bản vẫn nằm ở SGK và tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12. Học sinh cũng không cần phải quá lo lắng vì về phương án tuyển sinh ĐH, CĐ các trường vẫn sẽ dùng tổ hợp khối thi (A,B,C,D…) để xét tuyển.
Sở GD&ĐT địa phương sẽ chủ trì các cụm thi
Thay vì có 2 cụm thi, một do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì, một do các trường ĐH chủ trì như năm 2016 thì tới Bộ dự kiến sẽ để cho Sở GD&ĐT địa phương hoàn toàn chủ động trong khâu tổ chức kì thi, giảng viên của các trường ĐH, CĐ chỉ tham gia giám sát, hỗ trợ coi thi. Như vậy thời gian diễn ra kì thi cũng được rút gọn từ 4 ngày xuống còn khoảng 2 ngày, giảm thời gian cũng như áp lực cho thí sinh.
Về việc đề thi, Bộ GD&ĐT vẫn sẽ chủ động trong công tác ra đề nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực nhất cho kì thi. Phương án xét tuyển cũng có đôi chút thay đổi khi có 5 phương án: Xét tuyển bằng học bạ THPT; xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc Gia; sơ tuyển kết hợp xét tuyển theo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt; xét tuyển theo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường hay nhóm trường; xét tuyển kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Thay đổi về cách thức xét tốt nghiệp THPT
Nếu như các năm trước chỉ sử dụng kết quả học tập của năm lớp 12 thì năm 2017 tới đây, Bộ dự kiến sẽ xét tốt nghiệp THPT dựa trên cả 3 năm lớp 10,11 và 12. Như vậy phương thức xét tốt nghiệp THPT sẽ theo tỉ lệ 50- 50, điểm các bài thi bắt buộc THPT Quốc Gia chiếm 50%, 50% còn lại là điểm trung bình của cả 3 năm học THPT (cộng kèm điểm ưu tiên và điểm khuyến khích nếu có). Về cơ bản phương thức xét như vậy nhằm đánh giá công bằng, khách quan, phản ánh đúng quá trình học tập của thí sinh suốt 3 năm học THPT.
Bộ cũng sẽ xây dựng phương án theo chiều hướng đánh giá năng lực và giảm tải áp lực cho thí sinh, duy trì tính ổn định trong các năm tới. Theo đó, phương án tuyển sinh như vậy sẽ được duy trì đến năm 2019, chỉ có một vài thay đổi nhỏ qua các năm sao cho phù hợp nhất, hướng đến một phương án tối ưu vào năm 2020. Dự kiến trước ngày 10/9 Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án chính thức về việc tổ chức kì thi THPT Quốc Gia 2017.
Nguyễn Huy (Tổng hợp)
Nguồn: ttvn.vn – 06/09/2016