Sẽ cắt chỉ tiêu nếu công bố sai số liệu sinh viên có việc làm
17/10/2016
Bộ GD-ĐT sẽ có phương án xử phạt nếu các trường báo cáo không trung thực việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho biết sẽ công khai kết quả kiểm tra các trường để xã hội có đủ thông tin.
Bắt buộc các trường phải thực hiện
Bà đánh giá như thế nào về việc các trường công bố tỷ lệ sinh viên (SV) tốt nghiệp có việc làm hiện nay?
Việc điều tra, công bố tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm đã được thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục ĐH trong các năm qua vì là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc quản lý tỷ lệ SV tốt nghiệp của các trường được thực hiện theo cách thức của từng trường và chưa được kiểm chứng.
Năm nay là năm đầu tiên Bộ chính thức yêu cầu các trường thực hiện điều tra, khảo sát việc làm của SV tốt nghiệp theo mục tiêu chung nêu trên. Kết quả điều tra, khảo sát yêu cầu phải báo cáo về Bộ và công bố công khai trên website của trường.
Như vậy, từ nay về sau, việc điều tra, khảo sát việc làm của SV tốt nghiệp là công việc thường xuyên, cần thiết, bắt buộc đối với mỗi trường. Do đó, Bộ hy vọng các trường sẽ công bố tỷ lệ SV tốt nghiệp với độ tin cậy cao, khách quan, trung thực để khẳng định uy tín của trường.
Làm sao để Bộ phát hiện trường nào báo cáo không trung thực?
Trên cơ sở so sánh thông tin trong báo cáo với thông tin trường đã công khai, cùng với các minh chứng xác thực về phương pháp, quy trình, kết quả điều tra việc làm của SV tốt nghiệp... Bộ sẽ phân loại báo cáo, kiểm tra kỹ những báo cáo có độ tin cậy không cao và kiểm tra ngẫu nhiên đối với một cỡ mẫu phù hợp để xác định độ tin cậy báo cáo của các trường.
Dữ liệu báo cáo hằng năm của các trường sẽ được Bộ tổng hợp, tạo thành cơ sở dữ liệu chung của ngành về SV tốt nghiệp để so sánh, đối chiếu với thông tin báo cáo của các trường trong các năm sau. Việc so sánh tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm hằng năm cũng là cơ sở để xem xét về độ tin cậy của báo cáo...
Sinh viên tham gia ngày hội phỏng vấn, tuyển dụng tại TP.HCM. Ảnh: LÊ THANH
Bộ sẽ làm gì đối với các trường công bố không trung thực?
Kết quả kiểm tra của Bộ dự kiến cũng sẽ được công bố công khai để xã hội có đủ thông tin và thực hiện quyền giám sát. Đối với các trường công bố không trung thực, tùy theo nguyên nhân, mức độ mà có thể xem xét đến việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trong năm học tiếp theo. Tuy nhiên, nếu trường nào công khai thông tin về tình hình việc làm của SV tốt nghiệp không chuẩn xác thì chính trường đó tự đánh mất mình vì xã hội sẽ không tin vào tất cả các thông tin khác do trường cung cấp.
Biện pháp giảm tình trạng thất nghiệp
Theo bà, thực hiện những quy định này có giảm được tình trạng thất nghiệp của SV ra trường như hiện nay không?
Tình trạng SV tốt nghiệp ra trường không có việc làm phụ thuộc nhiều yếu tố như: tình hình kinh tế xã hội trong từng giai đoạn, khả năng thu hút đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực... nên giải quyết tình trạng này cũng phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ.
Việc yêu cầu các trường công bố tình hình việc làm của SV tốt nghiệp cũng là một trong các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng thất nghiệp của SV thông qua việc hỗ trợ người học có thông tin về khả năng tìm việc làm của các ngành đào tạo, trường mà họ muốn theo học. Đồng thời điều này giúp các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao tỷ lệ SV có việc làm, giảm bớt tỷ lệ không có việc làm...
Việc công khai thông tin việc làm của SV tốt nghiệp các ngành nghề, các chương trình đào tạo cũng giúp cho nhà trường điều chỉnh, đổi mới phương pháp, mục tiêu đào tạo, cung cấp thêm những kỹ năng mà SV còn thiếu để cải thiện cơ hội việc làm của SV. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, mục tiêu đào tạo không chỉ nhắm vào việc giúp SV tìm được việc làm trong cơ quan nhà nước mà phải đào tạo năng lực khởi nghiệp, tự tạo việc làm cho mình và cho người khác; rèn luyện năng lực ngoại ngữ tốt, am tường môi trường đa văn hóa để có thể tìm kiếm việc làm ở các công ty đa quốc gia trong và nước ngoài. Đó là những cách tiếp cận mới nhằm giảm tỷ lệ SV tốt nghiệp bị thất nghiệp.
Cơ quan quản lý từ đó cũng có cơ sở đánh giá khả năng tham gia vào thị trường lao động của SV từng ngành nghề, từng cơ sở đào tạo cũng như nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo...
Ý kiến
Trường công bố hơn 90% là quá cao
Thống kê của Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đưa ra về tỷ lệ SV ra trường có việc làm thường là khoảng 80%, trong đó khoảng 50% tìm được việc phù hợp chuyên môn. Vì vậy, con số nhiều trường thống kê trên 90% SV tốt nghiệp có việc làm hiện nay là quá cao và chưa phù hợp thực tế lắm. Muốn có số liệu thống kê tốt, phải có cuộc điều tra theo phường, xã mới biết cụ thể được. Các trường thống kê cũng cần phải dựa theo một phương pháp chung được Bộ GD-ĐT hoặc Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn. Hiện nay, các bộ chỉ đưa ra một bảng biểu để báo cáo và mỗi trường lại thống kê một kiểu khác nhau. (Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)
Thống kê đại để báo cáo
Rất nhiều trường thống kê SV tốt nghiệp làm việc gì cũng cho là có việc làm. Đáng lẽ phải thống kê đầy đủ SV đó làm doanh nghiệp nào, có làm đúng ngành nghề hay không. Tình trạng thống kê này tạo nên một mâu thuẫn là số liệu thống kê trên cả nước hay ở TP.HCM luôn cho thấy số lượng SV tốt nghiệp các trường thất nghiệp nhiều nhưng các trường lại cho biết SV có việc làm rất cao. Ngoài ra, thống kê nhiều trường không đủ hết tất cả SV. Nhiều trường chỉ thống kê đại để báo cáo. Nếu Bộ muốn kiểm soát con số này thì phải thống kê theo một chuẩn chung. (Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM)
Cần có tiêu chí định lượng
Ở nước ngoài không có khái niệm thống kê SV tốt nghiệp ra trường làm đúng ngành nghề hay không. Họ quan tâm SV ra trường làm thế nào, mức lương trung bình, người thành đạt là ai? Họ coi trọng SV ra trường có thể tự học không, có nâng cao kiến thức kỹ năng, dễ thích ứng với sự thay đổi của xã hội không. Vì vậy, các trường VN cần công khai toàn bộ số liệu nhưng phải có những tiêu chí định lượng như vị trí của SV sau khi ra trường, có bao nhiêu người làm vị trí lãnh đạo, thu nhập ra sao... Chứ những tiêu chí định tính như bao nhiêu SV có việc làm thì các trường muốn thống kê ra sao Bộ GD-ĐT cũng không thể kiểm tra được đúng hay sai. (PGS-TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
|
Đăng Nguyên (thực hiện)
Nguồn: thanhnien.vn – 17/10/2016