Lo trở tay không kịp khi cách thức xét tuyển đại học cũng thay đổi?
17/10/2016
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bất ngờ thay đổi phương án thi THPT quốc gia năm 2017 đã khiến cho giáo viên và học sinh trên cả nước phải “xoay” chóng mặt cả cách thức dạy và học để có thể thích ứng với cách thi mới.
Áp lực của học sinh và giáo viên còn có nguy cơ tăng lên khi mà đến thời điểm hiện tại, các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) vẫn chưa công bố phương thức tuyển sinh.Thậm chí, một số trường còn rục rịch xem xét việc điều chỉnh phương án xét tuyển để “lọc” thí sinh phù hợp.
Điều này khiến cho cả học sinh và giáo viên đều lo “trở tay không kịp” vì áp lực thi cử sẽ tiếp tục tăng khi mà cả cách thức thi tốt nghiệp lẫn xét tuyển ĐH đều thay đổi.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, năm 2017, để tăng quyền tự chủ, các trường ĐH-CĐ có thể tuyển sinh 2 đợt với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH- CĐ xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy và công bố công khai cho dư luận.
Trong đó, việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường với nhiều phương án khác nhau. Cụ thể, đối với các trường sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.
Việc Bộ GD&ĐT bất ngờ thay đổi phương thức thi THPT quốc gia đã khiến các
trường ĐH rơi vào bị động trong việc xác định phương án tuyển sinh. Ảnh minh họa
Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan.
Đối với các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT. Với phương thức này, các trường phải thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT).
Phương án cuối cùng là các trường có thể phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh và các phương thức này phải được quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh do nhà trường xây dựng.
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường ĐH lại bày tỏ sự băn khoăn về những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia và cho biết, hiện chưa “chốt” được phương án tuyển sinh cho năm 2017.
Theo PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí -Tuyên truyền, tính phân hóa của đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 không cao dẫn đến việc trường khó tuyển được người giỏi thực sự.
Huyền Thanh
(cand.com.vn – 17/10/2016)