Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

"Đề thi minh hoạ môn Lịch sử rất an toàn"

06/10/2016

Đề minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được công bố trong bối cảnh chương trình phổ thông tổng thể chưa được chính thức công bố và cơ cấu các môn học liên quan đến môn Khoa học Xã hội (KHXH) vẫn chưa chính thức có quyết định cuối cùng. 

Ở đây, tôi sẽ thử phân tích đề thi minh họa môn Lịch sử trên cơ sở so sánh nó với các đề thi môn lịch sử trong kì thi thứ nhất vào đại học ở Nhật Bản.

Một vài thông số từ đề thi minh họa

Đề thi này có 40 câu với thời lượng 50 phút. Như vậy, trung bình mỗi câu hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết trong 1.25 phút.

Về mặt nội dung, câu hỏi về lịch sử thế giới có 11 câu (từ câu 1-8 và các câu 24, 25, 34) chiếm 27.5%. 

Câu hỏi về lịch sử Việt Nam có 28 câu chiếm 70%. 

Riêng câu 35 có thể xếp vào câu “giao thoa” giữa lịch sử Việt Nam và thế giới ít nhất là về mặt hình thức.  

Trong đề thi có 2 câu hỏi hỏi về thời gian (câu 1,13), 2 câu hỏi về không gian (câu 3, 22), 2 câu hỏi yêu cầu tư duy (câu 35, 39), 1 câu hỏi về quá trình-trạng thái (câu 6). 

Chiếm đại đa số là câu hỏi về nội dung sự kiện (cái gì) (33 câu).

Về mặt hình thức, các câu hỏi trong đề thi được thiết kế dưới 3 dạng chủ yếu: điền khuyết, sắp xếp (sắp xếp theo trật tự thời gian) và tìm lựa chọn đúng.

Một vài nhận xét

Ấn tượng chung nhất về đề thi minh họa môn Lịch sử lần này là…an toàn. 

Đề thi này nếu được sử dụng để đánh giá tốt nghiệp sẽ giúp cho nhiều người có trách nhiệm yên tâm vì hạn chế được hiện tượng “hàng ngàn điểm không môn lịch sử” vốn đã từng liên tiếp xảy ra trong nhiều năm gần đây. Học sinh chỉ cần có trí nhớ tốt và ôn tập bám sát nội dung sách giáo khoa theo phương thức luyện đi luyện lại sẽ làm bài tốt. Đề thi không khó cộng với hình thức thi trắc nghiệm khả năng sẽ cho nhiều bài thi đạt điểm tối đa.

Dựa vào các thông số bên trên để phân tích sâu hơn ta sẽ thấy đề thi mặc dù áp dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học nhưng phạm vi nội dung của đề chỉ bó hẹp trong chương trình lớp 12 với lịch sử Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến nay và lịch sử thế giới hiện đại từ sau 1945. 

Đề thi không đề cập chút nào đến lịch sử dân tộc thời cổ, trung đại. Nếu so sánh với đề thi môn Lịch sử của Nhật Bản trong kì thi thứ nhất vào đại học (kỳ thi tập trung dành cho thí sinh toàn quốc) thì đây là điểm khác biệt cơ bản.

Ở Nhật Bản phạm vi ra đề bao quát từ lịch sử cổ đại tới hiện đại và phân chia thành hai môn là Lịch sử thế giới và Lịch sử Nhật Bản riêng biệt.

Về tư duy và kĩ thuật ra đề thi trắc nghiệm, khi so sánh với các đề thi môn Lịch sử ở Nhật Bản sẽ thấy đề thi môn Lịch sử của Việt Nam tương đối đơn giản cả về hình thức lẫn nội dung.

Ở đề thi của nước Nhật, các thí sinh sẽ phải đọc hiểu các tư liệu dưới dạng văn bản (thường là tư liệu gốc), bảng biểu, số liệu thống kê từ đó tư duy, suy luận để chọn lấy câu trả lời thích hợp nhất trong các phương án được đưa ra. Các câu hỏi kiểm tra trí nhớ thuần túy về thời gian, không gian, nội dung sự kiện chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. 

Còn trong đề thi minh họa của Việt Nam lần này trong số 40 câu hỏi được đưa ra không có câu hỏi nào sử dụng tư liệu lịch sử. 

Tất cả dữ liệu đưa ra đều là các “kiến thức lịch sử” được trình bày trong sách giáo khoa dưới dạng giản lược. 

Các câu hỏi vì thế chủ yếu nhằm vào kiểm tra khả năng ghi nhớ của học sinh đối với không gian, thời gian, nội dung sự kiện. Tỉ lệ câu hỏi về “cái gì” chiếm một tỉ lệ rất lớn (33/40) đã phản ánh khách quan điều đó. 

Trong đề thi có hai câu (câu 35, 39) có hơi hướng thoát ra khỏi việc kiểm tra ghi nhớ tuy nhiên rất đáng tiếc nó vẫn chưa thoát ra khỏi được tư duy truyền thống khi coi tư duy trong học tập lịch sử là biết “liên hệ” trong khi liên hệ chỉ là một dạng tư duy hình thức kiểu minh họa. 

Đúng ra, nếu muốn kiểm tra tư duy lịch sử của học sinh thể hiện ở phương diện nhận ra mối liên hệ giữa hiện tại và quá khứ (những hiện tượng trong xã hội hiện tại là kết quả của quá trình lịch sử) thì phải đặt ra những câu hỏi yêu cầu học sinh nhận thức, giải thích các hiện tượng trong xã hội đương đại bằng phương pháp và tư duy lịch sử. 

Lối mòn trong tư duy ra đề này thực ra chỉ là sự lặp lại của những đề thi tự luận được gắn nhãn “mở” thường thấy trước đó.

Khác biệt thực trạng giáo dục lịch sử

Sự khác biệt nói trên phản ánh một cách khách quan thực trạng giáo dục lịch sử giữa hai nước. 

Ở Nhật Bản, trong lý luận và thực tế người giáo viên coi giáo dục lịch sử là quá trình người giáo viên tổ chức cho học sinh thiết lập các chủ đề, phát hiện các vấn đề và giải quyết chúng bằng tư duy và phương pháp của nhà sử học. 

Nghĩa là ở đó không chỉ thành tựu của sử học mà phương pháp của sử học cũng được coi trọng. Chính vì thế khi học lịch sử học sinh phải tìm kiếm, phê phán, chỉnh lý, đọc hiểu tư liệu và văn bản hóa.

Trong các đề thi kiểm tra dù là trắc nghiệm họ cũng sẽ kiểm tra năng lực nói trên bằng cách đưa ra các tư liệu đa dạng để yêu cầu học sinh giải mã.

Còn ở Việt Nam, trong hàng chục năm qua giáo dục lịch sử ở trường phổ thông được quan niệm là việc giáo viên truyền đạt tri thức lịch sử cùng những cách giải thích được quyết định sẵn tới học sinh. 

Nghĩa là giáo dục lịch sử chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ truyền đạt các thành tựu của sử học được tóm tắt trong sách giáo khoa tới học sinh. 

Chính vì thế, các đề kiểm tra chủ yếu nhắm tới kiểm tra lượng tri thức học sinh đã lĩnh hội được mà không kiểm tra được tư duy lịch sử và năng lực đối với sử liệu của học sinh.

Thi sẽ không căng thẳng

Nhìn một cách tổng thể, nếu như đề thi chính thức được đưa ra tương tự như đề thi minh họa này, việc thi cử sẽ diễn ra không quá căng thẳng và cho kết quả về điểm số tương đối lạc quan.

Tuy nhiên, nếu như dựa vào kết quả bài thi này để tuyển lấy sinh viên vào những ngành học cần đến tư duy lịch sử thì kết quả sẽ rất hạn chế vì đề thi ít khả năng đo được năng lực sử học của học sinh. 

Đề thi cũng chưa phản ánh được xu thế cần đổi mới của giáo dục lịch sử theo hướng hòa nhập với thế giới. Vì thế khả năng tạo ra hiệu ứng kích thích những thay đổi trong việc giảng dạy lịch sử hiện đang có quá nhiều bất cập hiện nay còn chưa thấy rõ.

Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh giáo dục lịch sử tại Nhật Bản)
Nguồn: vietnamnet.vn – 06/10/2016

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang