Mở đại học quá dễ

Quy trình thẩm định, xét duyệt trường ĐH; nhiều trường ĐH “ba không” vẫn được ra đời và hoạt động; trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc thẩm định các đề án thành lập trường... là các chủ đề được đề cập sôi nổi trong và bên lề cuộc tọa đàm góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục 2005 của Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật VN sáng 17-10. Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến dưới đây.

* GS - nhà giáo nhân dân Trần Đình Long (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):

Phải thay đổi quy trình lập trường ĐH

 

Tôi cho rằng đối với việc thành lập trường ĐH phải theo nguyên tắc “con gà có trước quả trứng”. Quy trình thành lập một trường ĐH cần tách làm hai bước riêng: thành lập trường và được phép hoạt động. Căn cứ quy hoạch và hồ sơ thấy hợp lệ, đủ tư cách pháp nhân cho phép thành lập trường. Nhưng được phép thành lập rồi thì cứ chuẩn bị các điều kiện, cứ xây dựng trường, chuẩn bị đội ngũ giảng viên..., khi nào có đủ các điều kiện mới được bắt đầu đào tạo.

 

Bộ GD-ĐT phải ban hành hệ thống tiêu chí rõ ràng về điều kiện được phép hoạt động của một trường ĐH như: phải đạt bình quân bao nhiêu diện tích/SV, phải có tối thiểu bao nhiêu giảng viên cơ hữu, trong đó phải đạt trình độ như thế nào, tỉ lệ giảng viên thỉnh giảng chỉ được phép tối đa là bao nhiêu, bình quân bao nhiêu SV có một giảng viên... Trường nào có đủ điều kiện mới bắt đầu được tuyển sinh.

 

Với thực tế cách làm như hiện nay, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lúc nào cũng nói muốn nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng nói không đi đôi với làm thì làm sao nâng cao chất lượng giáo dục?

 

* GS Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Tổng rà soát trường ĐH mới thành lập

 

Từ sự kiện Trường ĐH Phan Thiết, tôi thấy không nên giao quyền ra quyết định thành lập trường ĐH cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT như bộ đề nghị trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục. Hiện nay, Bộ GD-ĐT mới chỉ là đầu mối thẩm định đề án, tham mưu cho Chính phủ phê duyệt mà đã để xảy ra tình trạng như thế này, giao hoàn toàn cho bộ sẽ như thế nào?

 

Quan điểm cá nhân tôi cũng như của Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội là thành lập trường ĐH vẫn phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định, bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thẩm quyền quyết định cho phép trường bắt đầu hoạt động, đào tạo khi có đủ điều kiện.

 

Cũng phải nói thêm ĐH Phan Thiết không phải là trường hợp cá biệt. Từ cách đây gần một năm, trong báo cáo giám sát về tình hình thực hiện Luật giáo dục và hoạt động, chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ, ủy ban chúng tôi đã khẳng định đang có tình trạng các trường ĐH được thành lập, nâng cấp quá dễ dàng.

 

Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên tổng rà soát các trường ĐH mới được thành lập, nâng cấp trong thời gian vừa qua để chấn chỉnh, xử lý nếu có sai phạm. Sau khi rà soát nếu thấy trường nào không đủ điều kiện thì dừng hoạt động hoặc giảm chỉ tiêu của trường; nếu ngành nào chưa đủ điều kiện đào tạo phải dừng tuyển sinh, thậm chí đóng cửa ngành đó.

 

* GS - nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội):

Yếu tố quyết định là đội ngũ quản lý, giảng viên

 

Trong dự thảo sửa đổi Luật giáo dục về điều kiện thành lập trường ĐH, các yếu tố như cơ sở vật chất, đất đai... được đưa lên đầu tiên, còn đội ngũ giảng viên lại đặt ở cuối cùng. Trên thực tế, khi xem xét cho phép thành lập các trường ĐH, nhất là trường ngoài công lập, có vẻ như Bộ GD-ĐT cũng coi trọng việc đề án có bao nhiêu đất, dự kiến xây dựng ra sao...

 

Theo tôi, điều kiện đầu tiên để thành lập một trường ĐH là đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên phải đạt tiêu chuẩn, vì nếu trường có đủ đất đai, nhà cửa mà đội ngũ giảng viên chưa đủ về số lượng, chưa đạt về chất lượng vẫn không thể hoạt động được.

 

Tình trạng chung hiện nay là các đề án thành lập trường thường mượn tên giáo sư này, tiến sĩ nọ để có đủ số lượng. Phần lớn các vị này có tên nhưng không hề tham gia giảng dạy tại trường đó, thậm chí còn không được hỏi ý kiến, không được thông báo nhưng vẫn đưa vào danh sách. Bản thân tôi cũng đã mấy lần phát hiện mình tự nhiên có tên ở trường A, trường B trong khi không hề có liên hệ gì với trường.

 

Việc lạm dụng tên tuổi, danh nghĩa để mở trường, xin mở ngành đào tạo, xin chỉ tiêu tuyển sinh thường xảy ra đối với bộ phận giảng viên thỉnh giảng. Danh sách đăng ký một đằng, người thực tế đến dạy một nẻo, người học cũng không biết... Vì vậy, đối với việc cho phép một trường được đào tạo cần quy định chặt chẽ tỉ lệ và trình độ giảng viên cơ hữu để đảm bảo tỉ lệ cán bộ giảng dạy nòng cốt của một trường ĐH. Trên cơ sở đó mời thêm giảng viên thỉnh giảng chứ không thể để tình trạng các trường ĐH mới thành lập khai khống và hoàn toàn lệ thuộc vào đội ngũ giảng viên thỉnh giảng như hiện nay.

 

Cho phép thành lập trường, mở ngành dễ dãi như hiện nay rất nguy hiểm vì tạo ra những ngôi trường bán bằng ĐH, những người cầm tấm bằng của những trường ĐH này là một gánh nặng, mối nguy hại lâu dài cho xã hội. Vì thế đã đến lúc tình trạng mở trường, mở ngành láo nháo phải được truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn, phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể chỉ đổ tại cơ chế với quy trình. Ai là người đứng ra thẩm định, ai là người tư vấn cho người chịu trách nhiệm ký quyết định thành lập? Phải làm rõ để xử lý nghiêm khắc. Và những trường ĐH không đạt điều kiện tối thiểu phải kiên quyết giải tán.

 

THANH HÀ ghi
Nguồn: tuoitre.com.vn

18/10/2009

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang