Khổ vì trường có nhiều... cơ sở
Việc các trường ĐH mở ngành, tăng chỉ tiêu hằng năm mà không quan tâm nhiều đến cơ sở vật chất đã khiến nhiều sinh viên phải khốn đốn
Trường ĐH có 5, 7 cơ sở ở khắp nơi trong TP có lẽ là chuyện khá phổ biến tại TPHCM. Ngoài cơ sở chính, những trường như ĐH Hồng Bàng có trên 10 cơ sở, ĐH Mở có hơn 5 cơ sở, ĐH Sài Gòn có 3 cơ sở... Điều đáng nói ở đây, sinh viên (SV) không được học cố định một chỗ mà phải chạy tới lui nhiều nơi, gây bất tiện trong việc tổ chức học tập cho bản thân.
Học một nơi, thi nơi khác
Nhiều SV Trường ĐH Hồng Bàng sáng học cơ sở ở Điện Biên Phủ, chiều lại học bên Gò Vấp. Học ca đầu đã mệt, lại thêm đường xa, nhiều bạn đã phải cúp học ca sau. Đôi khi tạo thành thói quen, cứ ngày nào học hai cơ sở, nhiều SV lại tự “cho phép” mình chỉ học ở nơi gần nhà. SV B.A, Trường ĐH Hồng Bàng, bức xúc nói: “Học nhiều cơ sở, SV phải chạy lung tung, không an tâm học hành vì lúc nào cũng lo chuyển chỗ ở”. SV tỉnh thường có tâm lý muốn trọ gần trường để tiện việc đi lại. Các địa điểm học lại ở các quận cách nhau khá xa khiến SV cảm thấy bất an vì không biết học kỳ này sẽ học ở đâu, có nên chuyển chỗ ở hay không...
Nhiều SV may mắn chỉ học một cơ sở, nhưng khi đi thi cũng rất “hồi hộp” vì phải thi tại nhiều địa điểm. H.D, SV năm nhất Trường ĐH Mở, than: “Em học cơ sở An Dương Vương ở quận Bình Tân, nhưng nhiều khi phải chạy qua bên đường Đoàn Văn Bơ ở quận 4 để thi”. Tình trạng học một nơi nhưng phải thi một nẻo khiến nhiều bạn dở khóc dở cười. Có những SV chẳng biết cơ sở đó nằm ở đâu, trường hợp lạc đường đi thi muộn cũng không hiếm.
Thư viện trong mơ
Nếu chuyện phải chạy giữa nhiều cơ sở có thể chấp nhận được thì nhiều SV lại bức xúc vì chất lượng của nhiều cơ sở quá kém. Cơ sở 2 của Trường ĐH Sài Gòn ở 28 Nguyễn Thông, phường 7, quận 3 có tất cả 3 khoa đang học: quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính – ngân hàng, với 3 dãy nhà. Mỗi dãy nhà chỉ có tầng trệt và tầng một để SV học tập còn tầng trên cùng lại là... ký túc xá với những dây quần áo treo la liệt trông rất mất mỹ quan. Ở cơ sở này chỗ để xe cũng chính là sân trường. Điều này vô cùng bất tiện vì không phải lúc nào SV cũng học hết thời gian tại trường. Nhiều hôm chỉ đến học có 3 tiết thì cũng khó mà lấy xe ra được. Khổ hơn cả là những hôm học cả ngày, SV phải ở lại trường hoặc những buổi học thể dục ở cơ sở chính, đến chiều lại quay về học chính thức ở cơ sở 2. Những khi đó, SV không có chỗ nghỉ trưa, đành phải đi lang thang ngoài trường hay lê la ở những quán nước vỉa hè chờ đến giờ học.
Nhưng thiệt thòi lớn nhất là ở cơ sở này không có phòng thư viện cho SV đọc sách cũng như mượn tài liệu. SV muốn đọc sách cũng như mượn sách đều phải sang cơ sở chính ở An Dương Vương (quận 5) nên nhiều SV không muốn làm thẻ vì quá bất tiện.
SV T.T, Khoa Kinh tế Trường ĐH Hồng Bàng, than thở: “Đi học xa cũng không vấn đề gì, vấn đề là cơ sở học chẳng có thư viện để đọc sách. Chán lắm!”. Tại một cơ sở của trường này ở 89 Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú nhuận, một SV chỉ vào một dãy phòng, nói: “Mấy thầy ở khoa nói đó là thư viện có thể vào đọc sách nhưng chỉ thấy suốt ngày đóng cửa”. Chúng tôi bước đến thư viện thấy cửa khóa im lìm, bên ngoài có treo tấm bảng “Phòng truyền thống”, nhìn ngược nhìn xuôi trông chẳng khác nào nhà kho chứa đồ. Ngay đến văn phòng khoa nhìn bên ngoài cũng nhếch nhác, xập xệ.
Việc phải học trong những cơ sở quá kém, hơn nữa nhu cầu học tập tối thiểu như sách tham khảo, nghiên cứu thiếu thốn khiến SV cảm thấy chán đến lớp, việc học tập bị ảnh hưởng.
Một SV ở cơ sở 2 Trường ĐH Sài Gòn tâm sự: “Tụi mình chỉ mong có một thư viện bên cơ sở này... nhưng xem ra điều đó vẫn quá xa vời”.
22/06/2009 - Giang Vân Đoan (nld.com.vn)