Kiến nghị để Sở GD-ĐT tổ chức kì thi THPT quốc gia
29/10/2015
Tại Hội thảo thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 28/10, GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã kiến nghị để các Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Chủ trì hội thảo là GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Hội thảo góp ý sáng nay có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Vụ Đại học, cùng với lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng thành viên….
Mở đầu Hội thảo, GS. Trần Hồng Quân phân tích: kỳ thi THPT quốc gia đã có nhiều điểm mới. Đó là lần đầu tiên bỏ bớt đi được một kỳ thi; Bộ GD-ĐT đã hết sức cố gắng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc; Bộ GD-ĐT tìm mọi cách để tạo cơ hội lựa chọn, ngành, trường cho thí sinh. Tuy nhiên bên cạnh đó kỳ thi vẫn còn một số bất cập và trong thời gian qua Chính phủ cũng có đánh giá chính thức về kỳ thi. Chính vì thế, trong hội thảo này nên tập trung chủ yếu để góp ý kiến nên tổ chức thi tốt nghiệp, đại học thời gian sắp tới như thế nào để tư vấn với Chính phủ, cho Bộ GD-ĐT.
Nhiều góp ý thẳng thắn về đổi mới thi
Thẳng thắn nhìn nhận đánh giá kì thi THPT quốc gia vừa qua, GS Trần Phương nhấn mạnh: Năm 2015, Bộ GD-ĐT đã có một chủ trương rất tốt, rất đúng. Bộ trí kỳ thi “2 trong 1”, như vậy đỡ cho dân chúng một kỳ thi, trong khi một kỳ thi có khoảng một triệu người di chuyển thì rất tốn kém.
Mục đích thi tốt nghiệp phổ thông là đạt yêu cầu, phân loại điểm để các trường đại học, cao đẳng có thể chọn được sinh viên tốt cũng đạt yêu cầu. Như vậy kì thi “2 trong 1” là một sáng kiến rất hay và nên tiếp tục, song cần có một số bổ sung.
“Chúng ta không cần tổ chức thêm 100 cụm thi và nên giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức kì thi THPT quốc gia, vì mỗi tỉnh có nhiều huyện thì Sở GD-ĐT nên tổ chức cụm thi liên huyện để học sinh bớt phải di chuyển. Nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ tiếp tục tiết kiệm được chi phi. Bộ tiếp tục giữ vai trò thiết kế đề thi. Trước đây khi Sở tổ chức thi thì vẫn còn hiện tượng giám thi “lơ” cho học trò chép, nhưng với tính chất cạnh tranh ở kì thi THPT quốc gia thì chắc tình trạng này sẽ được xóa bỏ” – GS Trần Phương chia sẻ.
Về công tác tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng trong năm tới, GS. Trần Phương đề nghị Bộ GĐ-ĐT cho phép tất cả các trường tuyển sinh dựa trên kết quả kì thi THPT quốc gia và học bạ. Cả hai cách thức tuyển sinh này đều đảm bảo được rằng, những học sinh có trình độ tốt đều có thể được tuyển vào các trường CĐ, ĐH. Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra “ngưỡng” để đảm bảo chất lượng còn các trường sẽ thực hiện. Năm 2015, Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép một số trường tổ chức tuyển sinh 2 đợt (tháng 2 và tháng 8). Chính vì thế năm tới cần phải cho phép tất cả các trường đều được phép tổ chức tuyển sinh 2 đợt.
Khá gay gắt với những bất cập trong việc tổ chức kì thi THPT quốc gia vừa qua, PGS Văn Như Cương bày tỏ: Vừa rồi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều khẳng định kì thi THPT quốc gia đối với cả một quá trình học tập của học sinh là chuyện nhỏ và tôi rất tâm đắc với điều này. Trong quá trình đào tạo ở bậc phổ thông thì có nhiều khâu và khâu kiểm tra, đánh giá chỉ là một trong số đó.
“Tuy nhiên tôi rất hoang mang bởi chúng ta chỉ làm một việc nhỏ nhưng vừa rồi chúng ta phải dùng toàn bộ sức lực của Bộ GD-ĐT, các giảng viên trường ĐH, giáo viên phổ thông… mà vẫn làm chưa ổn. Vậy những chuyện lớn như cải cách cơ bản và toàn diện thì chúng ta lấy đâu ra năng lực để mà làm. Chính vì thế cần phải có một phân tích kỹ lưỡng vì sao chuyện nhỏ mà làm chưa được. Cái chưa được ở tôi muốn nói tới đó là giảm nhẹ căng thẳng, giảm về tài chính, lựa chọn được người xứng đáng đỗ tốt nghiệp và vào ĐH, CĐ” – PGS Văn Như Cương nói.
Cũng theo PGS Văn Như Cương, sở dĩ không làm được là do giao việc không đúng. Bộ GD-ĐT đã “ôm” lấy hoàn toàn kì thi THPT quốc gia và cuối cùng là không làm được. Ở phổ thông thì Bộ GD-ĐT đều giao cho các Sở GD-ĐT làm việc từ A đến Z và đến khi đến kì thi THPT thì Bộ lại ôm lấy. Ở đại học thì Bộ GD-ĐT cũng giao toàn quyền tự chủ từ A đến Z trừ việc tổ chức tuyển sinh. Rõ ràng đây là điều vô lý.
“Nguyên nhân chủ yếu là Bộ GD-ĐT đã “ôm” lấy công việc mà đáng lý phải tin tưởng giao cho cơ sở. Chỉ khi làm được điều này thì chúng ta mới thoát ra khỏi mớ bùng nhùng này” – PGS Văn Như Cương bức xúc chia sẻ.
Trước thực tế này, PGS Văn Như Cương đề nghị xem xét lại hai kì thi trước đây nhưng dưới một quan điểm khác đó là kì thi tốt nghiệp THPT giao cho Sở GD-ĐT và làm rất nhẹ nhàng, có thể làm một bài thi đánh giá tổng hợp gồm tất cả các môn học. Đối với tuyển sinh thì giao cho các trường ĐH, CĐ làm. Lời đề nghị của PGS Văn Như Cương nhận được sự đồng tình của nhiều người tham dự hội thảo.
Tại hội thảo này cũng có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT nếu tiếp tục tổ chức kì thi THPT quốc gia thì nên để thí sinh đăng ký nguyện vọng khi làm hồ sơ ĐKDT để tránh rối loạn; công tác xét tuyển giao hoàn toàn cho các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ quy định về “ngưỡng” đảm bảo chất lượng vì điều đó là không cần thiết, sử dụng phần mềm hệ thống chung để xét tuyển…
Sẽ tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Quan điểm của Bộ GD-ĐT là luôn lắng nghe một cách cầu thị, những gì hợp lý thì sẽ tiếp thu để bổ sung, điều chỉnh cho năm tới.
“Thành công của kì thi năm 2015 là kết quả công sức của toàn xã hội chính vì thế việc nói Bộ GD-ĐT “ôm đồm” tất cả các công việc của kì thi này là không đúng” – Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng bày tỏ.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, trong những thành công thì cũng có những điểm bất cập nhưng Bộ GD-ĐT cũng đã chủ động để giải quyết. Về việc tự chủ tuyển sinh thì thực hiện nhiều năm nay, đơn vị nào có đủ năng lực và trình đề án lên thì Bộ GD-ĐT đều xem xét và có ý kiến.
Nhằm làm rõ thêm một số vấn đề, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) bày tỏ: Việc chúng ta nói kỳ thi “2 trong 1” chỉ là một cách nói không thể hiện được sự trọn vẹn, đầy đủ về kì thi THPT quốc gia. Bản chất của kì thi là được sử dụng vào 2 mục đích: Các trường THPT, Sở GD-ĐT sử dụng kết quả kì thi để xét công nhận tốt nghiệp sau khi kết hợp với cả đánh giá quá trình học tập; đối với các trường ĐH, CĐ thì làm căn cứ để các trường sử dụng trong tuyển sinh. Chính vì thế nó không phải là kì thi tốt nghiệp THPT, không phải là kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ và càng không phải là kì thi “2 trong 1”.
Trên cơ sở như vậy thì việc tuyển sinh ở các trường ĐH, CĐ là hoàn toàn do họ quyết định. Việc làm này đã được Bộ GD-ĐT tiến hành từ năm 2013. Bộ GD-ĐT không ép buộc các cơ sở giáo dục đại học phải lấy kết quả kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh, các trường hoàn toàn được tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh của mình.
“Việc sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia đến đâu, mức độ nào, có tổ chức thi thêm gì không… hoàn toàn do các trường ĐH, CĐ tự chủ. Vừa rồi cũng đã có hơn 200 trường ngoài việc dựa một phần vào kết quả kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì họ cũng có một số phương thức tuyển sinh riêng. Đặc biệt là khi ĐH Quốc gia HN đã tổ chức một kì thi đánh giá năng lực riêng thì Bộ cũng đã đồng hành và góp sức. Trong thâm tâm Bộ GD-ĐT rất muốn hệ thống các trường ĐH, CĐ Việt Nam có thể tự tổ chức tuyển sinh” – Cục trưởng Mai Văn Trinh nói.
Về việc sử dụng hệ thống phần mềm tuyển sinh chung để thuận tiện trong việc xét tuyển, PGS.TS Mai Văn Trinh thông tin: Bộ GD-ĐT đã xây dựng phần mềm này với mẫu chạy thử là 1 triệu thí sinh, mỗi em 10 nguyện vọng và xét cho 800 ngành đào tạo của toàn hệ thống thì khoảng 2 tiếng sau có kết quả. Bộ GD-ĐT rất muốn thực hiện điều này ở kì thi vừa qua nhưng nhiều ý kiến cho rằng như vậy là vi phạm vào quyền tự chủ của các trường nên không thực hiện được. Tuy nhiên, trong việc xét tuyển vừa qua thì có gần 300 trường sử dụng phần mềm này để tuyển sinh cho những đối tượng đăng ký vào trường, nghĩa là số mẫu nhỏ hơn rất nhiều.
Về đề thi, Cục trưởng Mai Văn Trinh nhấn mạnh: “Chúng ta đang chuyển dần theo hướng đánh giá năng lực của người học chứ chưa thực sự đánh giá năng lực người học bởi hiện nay học sinh vẫn học theo chương trình cũ. Trong những năm qua, số lượng câu hỏi đánh giá năng lực học sinh ngày càng thể hiện rõ nét hơn, tất nhiên sự thể hiện ở từng môn thi là khác nhau”.
Nguyễn Hùng
(dantri.com.vn)