Năm 2016: lại đổi mới tuyển sinh
21/10/2015
Nhiều vấn đề giáo dục đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là những việc liên quan tới nội dung đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử đã được đề cập tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ GD-ĐT ngày 20-10.
Tăng quyền tự chủ cho các trường
Dù chưa tiết lộ phương án tuyển sinh nào sẽ áp dụng cho năm 2016, vì còn đợi kết quả thảo luận tại hội nghị tổng kết giáo dục đại học, cao đẳng sẽ được tổ chức ngày 22-10, nhưng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: bộ dự kiến sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh theo hướng vừa tăng quyền tự chủ cho các trường, vừa cố gắng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Theo đó, đến mùa tuyển sinh năm 2016, thí sinh có thể tùy chọn số trường, số nguyện vọng xét tuyển tương tự như cách tuyển sinh của nhiều nước phát triển.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi họp báo, ông Bùi Văn Ga nói đây là phương án dự kiến được đưa ra, sau khi đã rút kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh 2015.
Ở kỳ tuyển sinh 2015, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi chỉ được gửi vào một trường (nhất là đợt 1 chỉ có một giấy chứng nhận kết quả thi), khiến trong đợt xét tuyển đầu tiên này, thí sinh luôn chỉ được đăng ký vào một trường (dù sau đó có thể thay đổi nguyện vọng rút ra, nộp vào).
Nhà trường giảm ảo hoàn toàn, nhưng quyền lợi của thí sinh không đảm bảo. Vì vậy, phương án tuyển sinh 2016 sẽ vừa tăng quyền tự chủ cho nhà trường, vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh - được nộp hồ sơ vào tất cả các trường mà mức điểm đạt được phù hợp với điều kiện xét tuyển của nhà trường.
Tuy nhiên, ông Ga thừa nhận phương án này tất yếu sẽ dẫn đến tỉ lệ ảo lớn hơn nhiều so với các năm. Vì thế, bộ sẽ cùng các trường bàn giải pháp kỹ thuật để có thể “sống chung” với tỉ lệ ảo, khi không còn giới hạn số nguyện vọng.
Chỉ mình ngành GD-ĐT, khó đẩy lùi tiêu cực
Rất nhiều vấn đề tiêu cực trong giáo dục tiếp tục tái diễn trong gần một học kỳ đầu của năm học 2015 - 2016 đã được báo chí đề cập, như tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, lạm thu tiền trường, giáo viên không thực hiện đúng quy định, yêu cầu quá cao đối với học sinh - nhất là học sinh lớp 1...
Ông Phạm Ngọc Định - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT - khẳng định việc yêu cầu học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết ngay trong thời gian ngắn là sai quy định của Bộ GD-ĐT. Việc làm sai này không phải hiện tượng cá biệt, dẫn tới xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm ở nhiều nơi, do phụ huynh lo lắng phải cho con đi học thêm, hoặc cũng do giáo viên tìm cách gián tiếp ép học sinh học thêm.
“Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều quy định liên quan tới việc cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Việc đổi mới cách đánh giá học sinh theo thông tư 30 đối với học sinh tiểu học cũng là một thay đổi tích cực, nhằm giảm áp lực cho học sinh, hạn chế việc dạy thêm, học thêm. Nhưng phải thừa nhận là chỉ mình Bộ GD-ĐT sẽ khó có thể đẩy lùi được tình trạng giáo viên làm sai quy định chuyên môn, sai quy định về dạy thêm, học thêm. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng cần phải tích cực vào cuộc, kiểm soát việc thực hiện, phát hiện và xử lý nghiêm khắc vi phạm” - ông Định nói.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách bậc giáo dục phổ thông, cũng cho rằng bên cạnh các quy định cụ thể, ngành giáo dục cần nhiều giải pháp hỗ trợ khác nhau thì mới mong đẩy lùi được tiêu cực. Đó là việc phối hợp cùng ngành GD-ĐT kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm của chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, nhưng cũng có những giải pháp hỗ trợ nằm trong chỉ đạo đổi mới dạy học mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện.
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Nguồn: tuoitre.vn