Kỳ thi năm tới sẽ nhẹ nhàng hơn?
23/10/2015
Tuyển sinh vẫn là vấn đề nóng, gây nhiều tranh luận tại hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 - 2016 khối ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến trên cả nước hôm qua (22.10).
Phần lớn các đại biểu đều ủng hộ chủ trương đổi mới theo cách thức mà năm 2015 đã triển khai, nghĩa là chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, năm 2016 Bộ cần có một số điều chỉnh, vừa thuận lợi hơn cho thí sinh (TS) vừa giúp các trường chủ động hơn trong khâu tuyển sinh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét dù có nhiều ý kiến đồng thuận Bộ nên tiếp tục đổi mới thi và tuyển sinh nhưng trong từng chi tiết vẫn còn khác nhau. Vì thế cần có một hội thảo riêng để bàn chi tiết, cụ thể hơn cho công tác tổ chức thi và xét tuyển. “Chúng ta chưa nên ấn định gì vội. Chỉ cần khẳng định với nhân dân là nhất định kỳ thi năm tới sẽ kế thừa năm nay, ngày càng nhẹ nhàng cho nhân dân. Thi là riêng, tuyển là riêng. Tuyển sinh phải trên tinh thần tự chủ ĐH, Bộ chỉ đưa ra quy định tối cần thiết, không nên đi vào chi tiết”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Nên điều chỉnh số nguyện vọng đăng ký
GS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, kiến nghị Bộ cần cải tiến công tác tuyển sinh theo hướng đảm bảo tính ổn định, nghĩa là vẫn giữ nguyên các vấn đề cơ bản như ổn định về quy chế và hình thức tổ chức xét tuyển. Vấn đề cần phải quan tâm khắc phục là việc ứng dụng công nghệ thông tin và vai trò kết hợp của các sở GD-ĐT. Đề thi cần có sự phân hóa rõ hơn. Thời gian tổ chức thi nên như cũ (đầu tháng 7) do theo kế hoạch của các trường hiện nay đến 30.6 mới kết thúc năm học.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Hải An, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng điều mà Bộ có thể làm tốt hơn là phần mềm tuyển sinh. Thậm chí nếu vẫn duy trì cách thức giới hạn nguyện vọng như năm nay thì từ năm sau có thể cho TS thay đổi nguyện vọng thông qua hình thức nhắn tin trên điện thoại.
Tiến sĩ Lê Sĩ Đồng, Phó hiệu trưởng ĐH Ngân hàng, cho rằng cần khắc phục một số điểm của đợt xét tuyển vừa qua như: thời gian xét tuyển đợt 1 quá dài, cách đăng ký nguyện vọng dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên học xong năm thứ nhất sẽ bỏ học... Chỉ nên cho phép TS đăng ký xét tuyển vào 1 - 2 ngành, tránh trường hợp TS cố vào bằng được ĐH ngành không yêu thích. Còn ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội, đề nghị Bộ nên nới rộng khoảng cách điểm “sàn” ĐH và CĐ, bởi nếu để biên độ chỉ từ 12 - 15 điểm như hiện nay thì các trường CĐ rất thiếu nguồn tuyển. Hoặc nếu không thì Bộ nên để cho các trường CĐ tự xây dựng phương án tuyển sinh cho chính mình.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng nhận định cho phép TS đăng ký tới 4 nguyện vọng như năm 2015 là quá nhiều. Trong khi đó, các trường công bố ngưỡng điểm xét tuyển chưa sát với điểm trúng tuyển thực tế cũng gây nhiều khó khăn cho TS khi đăng ký. Nếu khắc phục những điểm này, kỳ xét tuyển năm tới sẽ thành công.
Giảm điểm ưu tiên
Liên quan tới điểm ưu tiên, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết chế độ ưu tiên khu vực là cần thiết nhưng hiện nay khoảng cách ưu tiên giữa các khu vực là 0,5 điểm là khá xa. Bộ cần rút ngắn khoảng cách này hơn nữa. Tiến sĩ Lê Sĩ Đồng cũng đề nghị nên giảm khoảng cách điểm ưu tiên tuyển sinh xuống mức thấp hơn, cụ thể là 0,25 chứ không phải 0,5 điểm như hiện nay. Cùng nhận định, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng với cách ra đề thi năm nay, mặt bằng điểm bài thi cao trong khi điểm ưu tiên tuyển sinh khá cao nên gây mất công bằng cho TS. Vì vậy, cần thay đổi từ cách ra đề thi và cách tính điểm xét tốt nghiệp.
PGS-TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề nghị cần cụ thể hóa hoặc có thông tư hướng dẫn rõ về đối tượng ưu tiên để các sở GD-ĐT thu hồ sơ phổ biến với TS ngay từ đầu. Vừa qua có rất nhiều TS vào học rồi mới biết bị rớt vì xác định không đúng đối tượng ưu tiên.
Trả lời về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong kỳ tuyển sinh năm tới Bộ sẽ điều chỉnh lại chế độ ưu tiên. “Bộ sẽ ngồi lại cùng một số cơ quan ban ngành có liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp nhất với tình hình hiện nay”, ông Ga khẳng định.
Người đòi tăng, người đòi giảm nhân lực y tế ĐBSCL
Tại điểm Trường ĐH Cần Thơ, một vấn đề không mới nhưng tiếp tục được “đào xới” là nhân lực y tế ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết tỷ lệ bác sĩ/vạn dân ở vùng này chỉ đạt 5,1 trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là 7,5; dược sĩ lại càng thấp hơn, chỉ 0,41 (cả nước 1,92). Vì vậy cần tiếp tục đầu tư mạnh cho lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế. Trong khi đó, ông Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, lại lo ngại về chất lượng đào tạo. Ông Lình cho rằng thành lập các trường có đào tạo ngành y, dược tăng mạnh trong thời gian ngắn gây nên tình trạng sinh viên thất nghiệp. “Thực tế có bệnh viện tuyển 3 chỉ tiêu nhưng có đến 40 ứng viên đăng ký... Nếu đào tạo nhiều như hiện nay, đến năm 2020 bác sĩ khó xin việc làm phù hợp”, ông Lình nói.
Đình Tuyển
|
Đề nghị bỏ cụm thi địa phương
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng chỉ nên tổ chức một loại cụm thi do trường ĐH chủ trì. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đồng tình: “Có thể khi tổ chức 1 loại cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ dẫn đến tình trạng đau lòng trong một vài năm tới do tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhưng đó là điều nên làm”.
Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, cho rằng có cần thiết phải có cụm thi do sở chủ trì không?
|
Mạnh dạn tái cấu trúc trường
Vấn đề tái cấu trúc các trường cũng được thảo luận tại hội nghị. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết một số trường tại khu vực ĐBSCL cho rằng việc mở một trường ĐH mới cần phải đầu tư nhiều. Vì vậy, nên cho phép các trường CĐ nâng cấp thành trường ĐH. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nói hiện ĐBSCL có 17 trường ĐH và theo quy hoạch vùng này sẽ có ít nhất 20 trường ĐH, 30 trường CĐ vào năm 2020, nhưng đề nghị không thành lập trường mới mà Bộ cần có chủ trương khuyến khích các trường ĐH trọng điểm quốc gia mở phân hiệu ở Cần Thơ và ĐBSCL.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh trong bối cảnh một số trường địa phương gặp khó trong tuyển sinh, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành cơ cấu lại hệ thống các trường theo hướng chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường ĐH có uy tín.
Hà Ánh - Đăng Nguyên - Đình Tuyển
|
Q.Hiên - H.Ánh - Đ.Nguyên
Nguồn: thanhnien.com.vn