Giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?
29/10/2015
Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp Bộ GD- ĐT nên dứt khoát giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia. Nếu giữ thì phải chấp nhận một kết quả thật, thay vì “thêm nếm” các hình thức cộng điểm để có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn thực chất, và phải công khai số liệu để hạn chế địa phương làm sai.
Trường ĐH không tin trường phổ thông
|
|
Bộ chưa công bố hết các mức điểm?
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mức điểm từ 4,25 đến 7 là nhiều nhất (với 2.333.214 bài thi, chiếm 53,83%); mức điểm từ 8,25 đến 10 điểm có 152.176 bài thi, chiếm 3,51%; điểm từ 0,0 đến 1,0 có khoảng 40.000 bài thi, chiếm 0,93%. Như vậy, số bài thi có mức điểm từ 1,25 đến 4 điểm tuy chưa được Bộ công bố nhưng với phương pháp loại trừ thì mức điểm dưới trung bình (không tính điểm liệt) cũng chiếm khoảng 30%.
|
|
|
Dù chọn thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nhưng ngay Bộ cũng đang bị kẹt giữa mong muốn thi cử, đánh giá thực chất với nỗi lo tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm, khi mà việc dạy học, đánh giá ở các nhà trường chưa thực sự chuyển biến. Việc Bộ lấy kết quả học lực lớp 12 làm 50% trọng số xét tốt nghiệp đã cho thấy điều đó. Phân tích kết quả kỳ thi vừa qua, nhiều người cho rằng nếu chỉ căn cứ vào kết quả thi chắc chắn tỷ lệ tốt nghiệp sẽ không thể đạt được con số hơn 90%.
Các trường ĐH cũng không tin tưởng hoàn toàn vào kết quả học lực của học sinh (HS). Năm nay, một số trường ĐH tốp đầu thực hiện sơ tuyển bằng học bạ THPT. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của những trường này thì việc đưa ra mức học lực khá trở lên ở bậc THPT không phải kỳ vọng sẽ tuyển được những HS khá giỏi thực sự mà chỉ nhằm để loại HS yếu kém. Thậm chí có người nhìn nhận việc HS có học lực khá nhưng kết quả thi chỉ ở mức dưới trung bình phổ biến nên việc xét học bạ để tuyển sinh đến thời điểm này vẫn còn là điều rất mạo hiểm.
Ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, chia sẻ: "Nếu xét học bạ trong cùng một trường THPT thì sẽ khách quan nhưng đây lại xét trên cả nước thì chất lượng sẽ khác, vì chất lượng của các trường THPT khác nhau, thầy cô giáo khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi chưa tin tưởng lắm nên chưa dùng kết quả này".
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - giáo dục Hà Nội đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cũng chỉ ra rằng khi xét điểm học lực lớp 12 vào kết quả tốt nghiệp đã khiến hiện tượng “vống” điểm lên cho HS là có thật.
Nhiều cách để địa phương hạn chế tiêu cực
PGS Văn Như Cương, Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), nêu quan điểm: "Nếu đã muốn HS học hết lớp 12 được tốt nghiệp thì không nên “bày đặt” tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nặng nề, tốn kém làm gì nữa mà giao về cho địa phương tổ chức thi hoặc xét một cách nhẹ nhàng. Vì nếu dựa 50% vào kết quả học lực thì kết quả thi khoảng 2,3 điểm/môn đã có đủ điều kiện tốt nghiệp thì kết quả đó không nói lên lên điều gì".
Ông Cương cũng cho rằng nếu muốn làm nghiêm công tác hậu kiểm thì chỉ cần so sánh giữa kết quả học lực với kết quả thi của từng trường sẽ thấy có dấu hiệu bất thường hay không.
Còn ông Tùng Lâm đề xuất: "Nếu đã xét kết quả học lực thì Bộ cần bắt buộc các lớp 12 kiểm tra thi cuối học kỳ 1 và cuối năm bằng đề thi của Bộ cho cả 8 môn thật nghiêm túc. Những HS yếu kém, không nỗ lực rèn luyện thì nhất quyết không được dự thi THPT quốc gia". Ông Lâm nhận định: "Chúng ta có thật sự muốn chống bệnh thành tích bằng mọi giá trong giáo dục ở các cấp hiện nay hay không? Nếu không có biện pháp thống nhất giải quyết tận gốc vấn đề này, chúng ta sẽ rất lúng túng trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia".
Một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội đề nghị học lực lớp 12 chỉ nên là căn cứ để xét HS có đủ điều kiện dự thi hay không chứ không nên xét tốt nghiệp. Điều này sẽ tránh được hiện tượng có tới khoảng 40.000 bài thi điểm liệt trong kỳ thi vừa qua.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng nếu cứ quyết đánh giá kết quả học lực kết hợp với thi thì không chỉ riêng lớp 12 mà phải đánh giá quá trình cả 3 năm học THPT, không nên cơ cấu 50/50 mà chỉ nên 30/70. Vì nếu Bộ chỉ đánh giá năm học lớp 12 và trong tình hình hiện nay, khi mà hiện tượng tiêu cực ở các nhà trường vẫn còn, thì việc tính điểm xét tuyển như vậy sẽ không sát với chất lượng học.
Còn theo PGS Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục VN, nếu xã hội và các cơ quan tuyển dụng thay đổi thói quen quá coi trọng bằng cấp thì việc xét tốt nghiệp sẽ trở nên rất nhẹ nhàng, HS hết lớp 12 nếu muốn học nghề hoặc đi lao động ngay thì chỉ cần nhận một chứng chỉ đã hoàn thành chương trình giáo dục THPT. Các sở GD-ĐT sẽ chủ trì tổ chức thi tốt nghiệp, nơi nào không có khả năng tổ chức thì Bộ sẽ hỗ trợ. Khi ấy việc xét kết quả học lực cả quá trình lên tới 70% để giảm nhẹ áp lực của kỳ thi, cũng rất nên làm.
Ở khía cạnh khác, lãnh đạo các trường ở nhiều địa phương đều cho rằng lẽ ra Bộ nên công khai số liệu chi tiết về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua ở từng địa phương, nhà trường. Ngoài việc phục vụ cho công tác khảo thí, số liệu này giúp các trường có thể so sánh tương quan giữa các nơi, có cái nhìn tổng thể, toàn diện. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng khi công khai những số liệu này, những trường, địa phương nào có dấu hiệu làm sai sẽ cảm thấy xấu hổ, từ đó hạn chế tiêu cực.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết đến thời điểm này Bộ vẫn đang lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý cho kỳ thi năm 2016 và chưa thể đưa ra một câu trả lời cụ thể.
Ý Kiến
Nên tính điểm không chỉ lớp 12
Không nên chỉ lấy điểm lớp 12 với 50% điểm số tốt nghiệp mà cần đánh giá cả quá trình HS học. Chẳng hạn, có thể lấy 40% điểm năm lớp 12, 15% điểm lớp 11, 15% điểm lớp 10 và 30% điểm THPT quốc gia. Cách tính này sẽ đánh giá được cả quá trình phấn đấu của học sinh; tránh tình trạng thầy cô nâng điểm “khống” cho HS lớp 12 để có lợi khi xét điểm tốt nghiệp. Cách tính này cũng làm giảm áp lực của người ra đề thi THPT quốc gia khi cách xét điểm tốt nghiệp chỉ còn phụ thuộc vào điểm của kỳ thi từ 25 - 30%”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính (Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM)
Tăng cường kiểm tra, đánh giá, xếp loại
Cách tính điểm hiện nay vẫn có phần hợp lý của nó nhưng tiếc rằng các trường và địa phương đã tiêu cực dẫn đến phát sinh điểm ảo với HS khối 12. Để ngăn chặn tiêu cực này, trước nhất cần phát huy vai trò quản lý từ các cấp. Bộ quán triệt các sở để tăng cường nhắc nhở, kiểm tra bằng những số liệu cụ thể từng giai đoạn, như đầu vào lớp 10, 3 năm phổ thông. So sánh kết quả tốt nghiệp với kết quả năm lớp 12, nếu có đột biến thì cần phải xử lý. Tăng mức độ khó cho đề thi THPT quốc gia, từ mức 60/40 thành 50/50.
Ngọc Tuấn (Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)
Đ.Nguyên (ghi)
|
Tuệ Nguyễn
Nguồn: thanhnien.com.vn