Bản tin » Kinh nghiệm học & ôn thi

Định hướng cách ôn thi môn văn

20/10/2016

Theo đề thi minh họa môn văn mà Bộ GD-ĐT đã công bố, đi sâu vào từng câu, dễ thấy đề thi lần này yêu cầu cao hơn về độ khó.

Đối với câu hỏi yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học, đề thi không cho sẵn văn bản thơ như những năm trước đây. Để làm được câu này, đòi hỏi học sinh (HS) phải thuộc lòng các bài thơ.

Đây sẽ là một trong những khó khăn đối với nhiều thí sinh vì thực tế cho thấy không có nhiều HS thuộc được các bài thơ trong chương trình ngữ văn lớp 12, nhất là những văn bản dài.

Đối với phần đọc hiểu, việc đầu tư để dễ dàng “ẵm trọn” 3 điểm ở phần này là lựa chọn thông minh của người học. Do vậy khi ôn tập, HS nhất thiết phải tập trung vào các kiến thức về từ tiếng Việt; kiến thức về kiểu câu và hiệu quả sử dụng, phương tiện và phép liên kết trong văn bản; các phương thức biểu đạt trong văn bản; các biện pháp nghệ thuật; phong cách chức năng ngôn ngữ; thao tác lập luận; thể thơ…

Thực tế cho thấy, có kiến thức vững chắc về ngữ văn là chưa đủ, để đạt được điểm tối đa ở phần đọc hiểu này, cần có những kỹ năng làm bài hiệu quả. HS nên đọc hệ thống câu hỏi trước để vừa tiết kiệm thời gian vừa định hướng cho việc đọc văn bản, trả lời trực tiếp vào câu hỏi một cách ngắn gọn, chính xác và đầy đủ.

Cũng nên chú ý các từ khóa trong văn bản, nên sử dụng những ký hiệu như trong đề thi và trình bày rõ ràng, sạch sẽ, phân bố thời gian hợp lý.

Đối với phần viết đoạn văn nghị luận xã hội, HS nhất thiết phải nắm vững cách viết đoạn văn, bài văn. HS cần thiết phải có kiến thức xã hội, nắm rõ các thao tác lập luận để triển khai hệ thống ý trong đoạn văn như cách thức triển khai trong bài văn sao cho đảm bảo dung lượng và phân bố thời gian hợp lý.

Việc lựa chọn các văn bản nhật dụng có nội dung sâu sắc, độc đáo làm ngữ liệu để ôn luyện phần đọc hiểu và viết đoạn văn nghị luận xã hội cũng là điều ưu tiên và cần thiết mà người học phải lưu ý, hướng đến.

Đối với phần viết bài văn nghị luận văn học, HS dứt khoát phải thuộc lòng các văn bản thơ và nắm vững cốt truyện của các văn bản văn xuôi trong chương trình ngữ văn 12.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, việc thay đổi số điểm của câu nghị luận xã hội (2 điểm) và câu nghị luận văn học (5 điểm) như đề thi minh họa chưa hẳn là một thay đổi tích cực vì điểm ở câu nghị luận văn học chiếm 50% số điểm nên rất dễ dẫn đến tình trạng “học vẹt”, “học tủ” và làm mất đi khả năng sáng tạo của HS. Mặt khác sẽ khiến cho việc dạy học văn nghị luận xã hội trong nhà trường ngày càng ít được chú trọng.

Nên điều chỉnh đề thi minh họa 

Đề thi minh họa môn văn THPT quốc gia không có gì bất ngờ, đảm bảo việc đánh giá kiến thức tiếng Việt, đánh giá được kỹ năng và tư duy xã hội lẫn văn học... Thế nhưng, để đề thi hợp lý hơn, cần chú ý mấy điểm sau đây:

Việc khai thác quá nhiều câu hỏi theo yêu cầu thông hiểu, vận dụng, kể cả làm văn từ văn bản đọc hiểu là không nên. Cần chú ý hài hòa hơn về các yêu cầu đánh giá giữa các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, nhằm giúp HS trung bình, yếu có thể có điểm. Tránh những cách hỏi ở nhiều câu liên tiếp khiến HS viết thành một đoạn văn dài, thậm chí là cả bài văn. Điều này vừa không làm phí thời gian của HS vừa giúp HS có cảm giác hứng thú khi làm bài.

Phần làm văn nghị luận xã hội không nên yêu cầu viết thành đoạn văn mà viết thành bài văn, số lượng chữ cũng nên nhiều hơn (khoảng 300 chữ) để vừa đánh giá kỹ năng làm bài xã hội vừa phân loại được HS.

Yêu cầu của nghị luận văn học cũng nên theo hướng mở, không nên hỏi theo cách cổ điển, nhằm tránh lối học tủ, học "vẹt". Câu hỏi yêu cầu cũng nên có nhiều vế, nhằm đánh giá nhiều mức độ kiến thức khác nhau, phù hợp nhiều đối tượng làm bài và dễ để phân loại. 

Trần Ngọc Tuấn

Thạc sĩ Lê Tấn Thích (Sở GD-ĐT Phú Yên)
Nguồn: thanhnien.vn – 20/10/2016

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang