Môn tiếng Anh: Cẩn thận “bị đánh lừa”
-
“Lúc làm bài cần đọc kỹ đề, đọc thật cẩn thận. Điều này rất quan trọng, vì có rất nhiều bạn đã sơ suất mà mất điểm không đáng. Lúc trước mình từng hối hận khi không đọc kỹ đề".
Trên đây là chia sẻ của bạn Nguyễn Đình Minh Khuê là thủ khoa kép đầu vào khối D khoa Văn học và Ngôn ngữ - trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, khối A1 ngành Quản lý công nghệ - trường Đại học Cần Thơ.
Trong học tập, với nhiều kinh nghiệm học và thi tiếng Anh, Minh Khuê đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để đạt điểm cao với môn này.
Minh Khuê nhận định rằng thí sinh nên cẩn thận khi làm bài, tránh “bị đánh lừa” bởi các câu hỏi. Nhiều khi câu dễ thì lại suy nghĩ phức tạp, câu khó thì lại đọc không kĩ đề. “Lúc làm bài các bạn cần đọc kỹ đề, đọc thật cẩn thận. Điều này rất quan trọng, vì có rất nhiều bạn đã sơ suất mà mất điểm rất đáng tiếc. Lúc trước mình cũng từng hối hận khi không đọc kỹ đề.”, Minh Khuê chia sẻ.
Đối với các câu hỏi môn tiếng Anh, ngoài những câu hỏi thông thường, còn có một số câu hỏi để phân loại thí sinh, đặc biệt đối với các thí sinh mong muốn vào chuyên ngành tiếng Anh. Các câu hỏi này thường “đặt bẫy” nên dễ mắc phải sai lầm.
“Đối với phần ngữ âm: Các bạn nhớ phiên âm hoặc đánh dấu nhấn kỹ lưỡng vào phần trọng âm để dễ lựa chọn. Tránh trường hợp rối trí khi chọn, và nhầm lẫn vì suy nghĩ và chọn đáp án này nhưng tô vào phiếu trả lời lại là đáp án khác.”
Bên cạnh đó, còn có một số điểm mà thí sinh dễ “mắc lừa” như: “Phần từ vựng, ngữ pháp thường dễ bị phân tâm bởi các cấu trúc như: cấu trúc đảo ngữ, thể giả định…Nếu không đọc kỹ đề sẽ rất dễ nhầm, gây khó hiểu. Với những dạng câu sử dụng từ đông nghĩa/ trái nghĩa hoặc những cụm động từ (động từ+giới từ), thí sinh có sự tích lũy từ vựng sâu và rộng sẽ là một lợi thế.
Phần điền vào chỗ trống cần chú ý các từ phía trước và phía sau các chỗ trống cũng như cấu trúc câu để xác định từ loại cần điền.
Phần đọc, hiểu không nên đọc quá lâu và kỹ từ ban đầu. Trước tiên cần đọc sơ qua để nắm nội dung toàn bài. Sau đó đọc câu hỏi và tìm câu trả lời cho mỗi câu. Một số trường hợp “đánh lừa”, câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều thí sinh lại mắc phải sai lầm.
Ví dụ , ý kiến A đoạn văn nêu phủ định, nhưng câu hỏi lại khẳng định. Người đọc sẽ ít chú ý đến việc khẳng định hay phủ định, đặc biệt với trường hợp phủ định được viết tắt. Vì vậy cần sáng suốt lúc đọc đoạn văn, tránh bị “sa lưới” khi câu hỏi đánh lạc hướng.
Về phần viết, thí sinh nhớ viết và phân chia bố cục đầy đủ. Triển khai các ý rõ ràng, có dẫn chứng thuyết phục. Tránh sai các lỗi ngữ pháp cơ bản, không cần dùng nhiều từ vựng quá hoa mĩ nếu không thực sự chắc chắn.
Khi làm bài xong còn dư thời gian, thí sinh không nên ra khỏi phòng thi ngay mà cố gắng nán lại, đọc kĩ lại các câu hỏi và câu trả lời, tránh sai chỉ vì lỗi chủ quan.
“Điều quan trọng khi làm bài thi là các bạn phải có tinh thần thoải mái, bình tĩnh, tin tưởng vào bản thân mình. Đọc kỹ đề là cách đơn giản nhất để các bạn tránh “bị đánh lừa” khi làm bài thi”, Minh Khuê chia sẻ.
TUYẾT MAI (tuoitre.vn)