Bản tin » Kinh nghiệm học & ôn thi

Chiến lược làm bài thi trắc nghiệm đạt điểm cao

-

Năm 2017, Bộ GD&ĐT lựa chọn phương án thi THPT quốc gia theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đây là một phương án mới nhưng không lạ. Tuy nhiên, để làm tốt một bài thi trắc nghiệm, ngoài kiến thức, thí sinh cần phải có những kỹ năng cũng như chiến lược làm bài tốt.

Bài thi trắc nghiệm bao gồm các câu hỏi đúng - sai hoặc lựa chọn phương án đúng. Trong một thời gian ngắn bạn cần nhận biết đâu là câu trả lời đúng cho câu hỏi được đặt ra.

Vì thế, để làm bài thi trắc nghiệm đạt điểm cao, bạn phải lên “chiến thuật” làm bài, đồng thời phân loại câu hỏi ở các cấp độ khó - dễ để phân bố thời gian hợp lý.

Dưới đây là một số "bí quyết" giúp bạn làm bài thi hiệu quả hơn:

Phân loại câu hỏi và chia thời gian hợp lý

Nếu như những năm trước, các bài thi trắc nghiệm được làm trong thời gian 50 câu/90 phút, thì thí sinh sẽ có 1,8 phút/câu. Tuy nhiên, với phương án mới của Bộ GD&ĐT thì thời gian làm bài được rút xuống còn 50 phút/40 câu, như vậy, thời gian trung bình của một câu chỉ có 1,25 phút.

Quỹ thời gian khá eo hẹp này đòi hỏi thí sinh phải biết tận dụng thời gian và có những tính toán hợp lý. Đầu tiên, hay đọc lướt qua toàn bộ đề bài, nhận định câu hỏi dễ làm trước, trung bình và khó quay lại làm sau. Không nên sa đà vào những câu hỏi quá phức tạp, quá dài và quá sâu. Bởi vì hiện nay, trên mạng internet có rất nhiều những bài tập, bài thi mà độ dài và độ khó còn khiến giáo viên “chào thua”.

Tận dụng phương pháp phỏng đoán và loại trừ

Có người nghĩ rằng phỏng đoán không phải là một cách hay. Tuy nhiên, nếu không chắc chắn về câu trả lời thì việc phỏng đoán một cách lôgic và khoa học là giải pháp hợp lý cho thí sinh. 

Trong trường hợp thí sinh có thời gian để suy nghĩ, nhưng không chắc chắn về câu trả lời thì có thể dùng phương pháp loại trừ. Trong 4 phương án trả lời, thí sinh có thể phân tích và tìm ra câu trả lời sai. Như vậy, câu trả lời đúng sẽ nằm trong số còn lại. Nếu loại trừ được càng nhiều phương án sai thì xác suất chọn được câu trả lời đúng càng cao.

Trong trường hợp không có thời gian để đọc kỹ câu hỏi thì thí sinh cũng không nên bỏ trống câu trả lời. Chẳng hạn, nếu còn 10 câu hỏi mà chỉ còn 1 phút để trả lời, cách tốt nhất là chọn bất cứ một chữ cái nào đó. Chẳng hạn là B, và điền câu trả lời B vào tất cả các câu hỏi còn lại. Như vậy, xác suất đúng sẽ cao hơn.

Kiên trì “nạp” kiến thức

Các giáo viên cũng cho rằng, hiện nay sách giáo khoa vẫn thế, nội dung chương trình và phạm vi kiến thức vẫn thế, các dạng bài cũng không có gì khác biệt. Chính vì vậy, dù có 20 câu trắc nghiệm hay 40 câu thì chương trình ôn tập cũng sẽ không nhiều thay đổi, khác biệt. Thí sinh không nên quá lo lắng.

Về việc xét tuyển ĐH CĐ, nhiều khả năng các trường sẽ có điều chỉnh khối thi, nhiều trường sẽ có xu hướng xét tuyển cả bài thi. Chính vì vậy, thí sinh cần thận trọng hơn khi lực chọn khối thi theo đuổi. Bám sát chương trình sách giáo khoa và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức từ sách giáo khoa vào việc xử lý các bài tập. Sau khi lấp đầy kiến thứ mới bắt đầu luyện đề.

Nguyễn Hồng
(phapluatplus.vn – 03/10/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang