Đề thi minh họa môn Hóa: Dễ nhưng cần luyện tốc độ làm bài
13/10/2016
Nhận định về đề thi minh họa môn Hóa học THPT quốc gia, cô Nguyễn Thị An Chung, giáo viên môn Hóa của trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng, đề phân loại được học sinh , có khoảng 12 câu ở mức nâng cao trong đó có 2 câu khó. Nếu đề thi chính thức cũng như thế này sẽ phù hợp với học sinh
Kiến thức thuộc chương trình lớp 12
Nhận xét về đề môn Hóa, cô An Chung cho rằng, đề gồm 40 câu sắp xếp từ dễ đến khó, lý thuyết bài tập đan xen, có 24 /40 câu lý thuyết. Như vậy, phần lý thuyết khá được chú trọng trong đề thi năm 2017.
Có 18 /40 câu là phần hữu cơ như vậy là hợp lý. Nhìn chung so với đề thi năm ngoái thì dễ hơn, đã giảm số câu khó và rất khó.
“Có thể do môn hóa thi trắc nghiệm đã nhiều năm nên các câu hỏi ko thấy có dạng mới. Những dạng này đều tương tự trong đề thi của Bộ hoặc đề thi thử của các trường những năm trước. Kiến thức đều thuộc chương trình lớp 12”- cô An Chung cho hay.
Cũng theo cô An Chung, đề phân loại được học sinh, có khoảng 12 câu ở mức nâng cao trong đó có 2 câu khó: “Nếu đề thi chính thức mà ra như thế này là phù hợp với học sinh”.
Rèn luyện kĩ năng tính toán thành kĩ năng, kĩ sảo
Cô An Chung cho rằng, cái khó của để thi năm nay là thời gian chỉ có 50 phút nên yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản, thuộc lý thuyết, tính toán nhanh và chính xác. Học sinh cần ôn kĩ lý thuyết lớp 12, luyện đề thi thử, rèn luyện kĩ năng tính toán thành kĩ năng, kĩ sảo.
“Tự học vẫn là chính, học sinh có thể tìm những đề thi thử của các trường đáng tin cậy (Trường THPT chuyên Lam Sơn, chuyên Nguyễn Huệ, Lê Quý Đôn...) hoặc các đề thi những năm trước của Bộ (vì câu hỏi chuẩn) để luyện nhưng tập trung vào các câu thuộc chương trình lớp 12. Nhiều học sinh đi học thêm rất nhiều nhưng về nhà không tự luyện thì thực sự hiệu quả cũng không cao”- Cô An Chung nói.
Cô An Chung cũng chia sẻ, với cấu trúc đề thi như thế này, giáo viên nên chú trọng ôn lý thuyết cho học sinh đặc biệt là những sinh không có môn Hóa trong khối thi đại học. Những học sinh thi Khối A, khối B thì cần thuộc lý thuyết (nên tự vẽ sơ đồ tư duy sau mỗi bài, mỗi chương để tự tổng hợp kiến thức đã học cho bản thân), rèn luyện kĩ năng tính toán cẩn thận, chuẩn xác .
Ngoài ra, cũng theo cô An Chung, học sinh cần nắm vững và vận dụng thành thạo các phương pháp cơ bản: số đếm, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn e, bảo toàn khối lượng, đồ thị, các công thức tính nhanh.
“Khi học hết kiến thức cơ bản thì tập trung luyện đề, căn thời gian để luyện tốc độ làm bài nhanh. Giáo viên cũng cần cập nhật các đề thi mới phù hợp với kiểu ra đề như năm nay”- Cô An Chung cho biết thêm.
Đỗ Hợp
(tienphong.vn – 12/10/2016)