Đề minh họa môn toán lớp 10: 'Bám sách giáo khoa sẽ rớt chắc'
13/09/2017
Trên đây là một trong những ý kiến của giáo viên về đề minh họa môn toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 tại TP.HCM.
Giáo viên phải nghiên cứu kỹ
Khi đọc đề thi minh họa môn toán, ông Nguyễn Đình An, giáo viên môn toán Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), cho biết: “Căn cứ vào đề minh họa môn toán vừa được Sở công bố có thể thấy chỉ có khoảng 30% kiến thức nằm trong sách giáo khoa. Cụ thể, là 3 câu đầu trong đề thi. Còn lại 70% kiến thức nằm ngoài sách giáo khoa. Chính vì vậy, nếu học sinh vẫn giữ cách học bám sách như trước đây thì sẽ không phù hợp. Nếu cứ bám sách giáo khoa thì sẽ rớt chắc”.
Ông An nói thêm: “Chỉ với một vài thay đổi nhỏ của môn toán trong đề thi vào lớp 10 năm học 2016-2017 mà đã có 58% học sinh bị điểm dưới trung bình. Vậy với cấu trúc đề minh họa vừa công bố có thể tỷ lệ này sẽ tăng hơn năm trước”. Để đáp ứng đề thi này cách học của học sinh và cách dạy của giáo viên sẽ phải thay đổi. Cụ thể là học sinh có thể không cần tới sách giáo khoa mà chỉ cần nghe giáo viên giảng và học chủ yếu từ thực tế. Còn giáo viên phải nghiên cứu thật kỹ để dạy cho học sinh các kiến thức thực tiễn và cần thoát khỏi chương trình học truyền thống.
Tỏ ra lo lắng trước đề minh họa môn toán, ông V.B.S giáo viên môn toán tại một trường THCS tại Q.3, cho hay: “Trước nay việc thi cử cũng phải bám vào chương trình trong sách giáo khoa để ra đề. Vậy, với cách ra đề minh họa như trên thì sách giáo khoa không còn ý nghĩa. Muốn đáp ứng yêu cầu của kỳ thi này học sinh nên gấp sách giáo khoa lại để học một cách thực tế hơn”.
Cũng theo thầy S.: “Dụng ý của sở khi ra đề theo cách này có lẽ là để hạn chế việc dạy thêm học thêm. Nếu như vậy thì đề thi thật sự đã đi đúng hướng. Học sinh thay vì đi học thêm thì nên lên kế hoạch để thay đổi cách học...”.
Học sinh cần được hướng dẫn nhiều
Về hình thức, giáo viên Nguyễn Thanh Tịnh (Q.2) cho hay đề minh họa toán có sự đổi mới theo hướng tiếp cận với phương pháp giáo dục mới. Không đặt nặng về kiến thức hàn lâm mà toán học phải xuất hiện từ thực tiễn và trở về phục vụ thực tiễn. Nội dung các câu hỏi là các kiến thức cơ bản, không khó nhưng quá mới mẻ nên học sinh cần được hướng dẫn nhiều.
Một giáo viên dạy tại trường điểm của Q.1 nói, kiến thức hàn lâm đã không còn xuất hiện trong đề thi môn toán minh họa. Các bài toán thực tế thì yêu cầu kiến thức cơ bản, quen thuộc chỉ cần biết vận dụng là tìm ra đáp án. Tuy nhiên việc quan trọng là học sinh phải có khả năng đọc hiểu từ đó tìm ra bản chất, mấu chốt vấn đề được đề cập trong bài.
Giáo viên Ngô Thanh Sơn (Q.Tân Phú) cho biết cấu trúc đề toán mới hoàn toàn, 10 câu chia nhỏ ra theo 10 ý khác nhau. Có nhiều câu hỏi vận dụng, trong đó có câu hoàn toàn mới. Phần hình học xem như khác hoàn toàn so với trước đây và được lồng vào trong bài toán thực tế. Dự đoán nếu đề thi theo cấu trúc này thì điểm sẽ còn thấp hơn năm ngoái vì hiện nay một số giáo viên vẫn chưa thể thay đổi bài giảng theo cấu trúc mới.
Một giáo viên khác tại Q.Tân Bình cho biết với đề thi theo định dạng này thì “tội cho những học sinh học trúng các giáo viên không tích cực đổi mới. Vì với cấu trúc này thì xem như đề cương, giáo án bài giảng phải 'đập đi xây lại'".
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay Sở sẽ hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho giáo viên bộ môn để tăng cường phương pháp giảng dạy kiến thức theo hướng vận dụng cho học sinh. Dự kiến sau lần công bố đề minh họa này, vào đầu học kỳ 2, Sở sẽ công bố đề minh họa một lần nữa để giáo viên và học sinh thêm cơ hội tiếp cận với việc đổi mới.
Lam Ngọc - Bích Thanh
Nguồn: thanhnien.vn – 13/09/2017