Điều chỉnh phương án thi phải tránh gây “sốc” cho học sinh
04/09/2017
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa gửi văn bản tới các trường đại học và các trường cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, phương án thứ nhất là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần như năm 2017.
Phương án thứ hai là mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất. Hiện việc điều chỉnh kỳ thi theo phương án thứ hai đang tạo nên những ý kiến trái chiều trong dư luận.
Về phương án thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng, với mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thực chất là bài thi tích hợp. Nếu thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu thật kỹ và thận trọng.
Bởi khi đó, không những kế hoạch học tập của các em học sinh bị thay đổi đột ngột mà tổ hợp xét tuyển môn thi của các trường cũng hoàn toàn có thể bị phá vỡ. Việc thay đổi không có lộ trình từ trước, nhà trường và học sinh liệu có thích ứng kịp?
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) nêu quan điểm: Thời điểm này, hầu hết học sinh lớp 12 đều đã tựu trường và phần lớn các em đều đã định hình được các khối thi, ngành thi. Do vậy, nếu Bộ GD&ĐT áp dụng phương án thi thứ hai ngay trong năm học 2017-2018, việc học và ôn tập của các em sẽ có nhiều xáo trộn theo hướng bất lợi cho các em.
“Ví dụ, một học sinh thi theo khối A là Toán, Lý, Hóa có thể không học kỹ môn Sinh. Trong khi đó, khi gộp vào bài thi Khoa học tự nhiên thì bài thi môn Sinh sẽ chiếm hơn 1/3 tổng điểm số. Điều này có thể mang đến nhiều rủi ro hơn cho học sinh, có thể nhiều em sẽ bị trượt đại học một cách đáng tiếc vì không thể giỏi đều tất cả các môn. Do vậy, mọi sự điều chỉnh cần có sự tính toán thận trọng để học sinh và giáo viên có thể theo kịp, tránh gây xáo trộn lớn, thậm chí là gây sốc”- cô Huệ đặt vấn đề.
TS.Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng cũng cho biết: Điều quan trọng và mấu chốt nhất mà Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 không phải là việc tổ chức lại bài thi tổ hợp mà là tiếp tục hoàn thiện khâu ra đề thi, cần phải xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa để có khả năng đánh giá chính xác trình độ và phân loại thí sinh. Đồng thời, tăng cường giám sát của xã hội đối với kỳ thi, đặc biệt là khâu coi thi để có thể yên tâm hơn về kết quả của kỳ thi.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội lại bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án dự kiến mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Đó là mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi.
Tuy vậy, ông Tớp cho rằng, Bộ GD&ĐT nên sử dụng phương án thi này cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chứ chưa nên áp dụng ngay trong năm 2018 để học sinh, giáo viên phổ thông và các trường đại học đều có thời gian để chuẩn bị tốt nhất, tránh gây “sốc” về mặt tâm lý cho học sinh.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho biết: Phương án thứ 2 là hợp lý, bởi việc này sẽ đảm bảo học sinh sẽ học đều các môn ở bậc phổ thông, việc đánh giá năng lực của các em cũng chính xác và công bằng hơn.
Huyền Thanh
Nguồn: cand.com.vn – 04/09/2017