Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh đại học 2018: Lại lo chuyện cải cách

01/09/2017

 

Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về hai phương án thi THPT quốc gia 2018 và việc xét tuyển đại học dựa trên kết quả từ kỳ thi này.

Về cơ bản phương án thi tuyển năm 2018 vẫn tổ chức 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Đối với giáo dục thường xuyên, bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm hai môn Địa lý và Lịch sử.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm có thể chọn bài thi độc lập hoặc bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội phù hợp tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường.

Tuy nhiên, với phương án thực hiện bài thi tổ hợp và tuyển sinh vào các trường đại học năm 2018, Bộ GD&ĐT đề xuất hai phương án.

Cụ thể, với phương án một: Bộ vẫn giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như năm 2017).

Phương án thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).

Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn hai hoặc ba bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn); một bài thi Văn hoặc Toán và một hoặc hai đầu điểm thi năng khiếu/điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.

Như vậy, chỉ sau một năm thí điểm phương án thi tuyển mới, Bộ GD-ĐT lại đưa ra hướng thay đổi. Trước sự thay đổi trên, trả lời trên báo Lao động, ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ông ủng hộ phương án 2. Tuy nhiên, ông Tớp cho rằng nếu áp dụng ngay cho năm học 2017-2018 thì có thể khiến học sinh bị "sốc" do không có thời gian làm quen, chuẩn bị tâm lý.

Lo lắng của Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cũng là lo lắng chung đã từng được bày tỏ từ khi Bộ GD&ĐT công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2017.

Khi đó, bình luận về sự thay đổi đột ngột của Bộ GD-ĐT GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội đã cho rằng, Bộ vẫn nên công bố lộ trình đổi mới thi cử để học sinh, xã hội chuẩn bị. Ví dụ, phương án thi chung này còn kéo dài lâu không hay tương lai sẽ còn thay đổi?

"Ý kiến của Bộ trưởng GD&ĐT lúc mới nhậm chức là sẽ giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT, còn tuyển sinh đại học giao cho các trường tự quyết. Nhưng đến nay, ý của Bộ trưởng lại là một kỳ thi chung. Vì vậy, theo tôi bộ cần công bố lộ trình. Còn nếu Bộ cứ quyết từng năm như thế này, tôi cho là không ổn", ông Thuyết nói.

Ngoài ra, ông Thuyết cũng lo ngại, việc sử dụng kết quả thi ở những cụm thi khác nhau, với mức độ coi thi, chấm thi chặt lỏng khác nhau để xét tuyển vào các trường ĐH sẽ không được công bằng.

"Bởi ở những cụm coi thi, chấm thi “lỏng tay” điểm của  thí sinh sẽ cao hơn ở những cụm “chặt tay”. Nhưng lại cùng dùng điểm đó để xét tuyển vào các trường ĐH là không công bằng với chính các thí sinh", vị GS nói rõ.

Thái An (tổng hợp)
Nguồn: baodatviet.vn – 01/09/2017

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang