Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Cổng trường ĐH hẹp lại khi tự quyết học phí?

24/11/2017


Dự Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đưa ra nhiều quy định mới, trong đó đáng lưu ý là các trường được tự quyết mức học phí

Theo dự luật, các cơ sở giáo dục ĐH được tự xác định sứ mạng, mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng chứ không phải do nhà nước quyết định.

Đầu tư cho ĐH thông qua dự án, chương trình

Việc xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH chỉ được dự luật quy định là "được thực hiện bởi các tổ chức có tư cách pháp nhân, có chức năng nhiệm vụ phù hợp, đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật" chứ không phải do nhà nước thực hiện như luật hiện hành.

PGS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, cho rằng với lực lượng của các cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ cả chuyên gia lẫn tài chính cho việc này. PGS Lập cũng cho rằng kinh nghiệm từ các nước tiên tiến cho thấy nhà nước không đứng ra xếp hạng trường ĐH, đó là công việc của các công ty, tổ chức. "Đừng lo có quá nhiều bảng xếp hạng. Trên thực tế chỉ những bảng xếp hạng của các tổ chức, trung tâm uy tín thì mới có tiếng nói và tồn tại được, các bảng xếp hạng "linh tinh" sẽ không có chỗ đứng vì không ai tin kết quả này. Việc để các tổ chức đứng ra xếp hạng ĐH là đúng xu thế" - PGS Lập nói.

Về chính sách đầu tư cho giáo dục ĐH, dự luật quy định việc đầu tư sẽ thực hiện thông qua các dự án, chương trình, chính sách tín dụng sinh viên và đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chính sách đấu thầu, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt loại hình cơ sở giáo dục ĐH. Dự luật cũng quy định việc các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện xã hội hóa được ưu tiên giao đất không thu tiền hoặc cho thuê đất để xây dựng trường, được miễn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu các trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Không ai học trường chất lượng thấp, học phí cao

Dự Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cũng đưa ra nhiều quy định mới theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường. Luật Giáo dục ĐH hiện hành quy định "Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh, khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập" và "cơ sở giáo dục ĐH công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định".

Tuy nhiên, theo dự luật mới, quy định về học phí của cơ sở giáo dục ĐH sẽ chuyển sang quy định về giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với Luật Phí và lệ phí. Cơ sở giáo dục ĐH được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, bảo đảm tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.

Đồng tình với dự luật, PGS Lê Hữu Lập cho rằng nên để các trường tự quyết mức học phí của mình. Tuy nhiên, ông cũng đặt lưu ý hệ thống giáo dục ĐH gồm cả các trường công lập và tư thục. "Trường công được đầu tư ngân sách để phát triển thì sẽ phải có mức học phí khác chứ không thể tự quyết như trường tư. Riêng với những trường ngân sách nhà nước không thể bao cấp được thì phải tự chủ, tự bơi trong thị trường. Mức học phí của các trường tự chủ đã khá cao so với các trường công khác nhưng thực tế thì vẫn ở mức thu thấp, chỉ đủ chi thường xuyên chứ không đủ tái đầu tư" - ông Lập nói.

Trước băn khoăn liệu với việc các trường tự quyết định mức học phí có đồng nghĩa với việc đóng cánh cửa vào ĐH của sinh viên nghèo, ông Lập khẳng định chủ trương cho các trường tự quyết, nhưng các trường có dám tăng vô tội vạ hay không lại là chuyện khác? "Trường thương hiệu thấp mà tăng học phí thì chỉ có nước đóng cửa vì không ai học" - ông Lập khẳng định. Chuyên gia này cho rằng các trường sẽ phải tự điều chỉnh vì nếu bắt ép quá sẽ không ai vào học. Đó là câu chuyện của cơ chế thị trường.

Tăng học phí phải đi kèm các điều kiện

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cũng cho rằng để các trường được tự quyết mức học phí thì phải đi kèm các điều kiện về chất lượng, sự giải trình về hiệu quả, sự minh bạch khi tăng học phí.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục lại mang tính tương đối và thông tin về chất lượng trong thị trường giáo dục có đặc trưng "méo" do người mua dịch vụ và trả tiền nhưng không biết chắc được chất lượng như với hàng hóa thông thường khác. Đành rằng thu học phí cao thì khả năng cạnh tranh giảm theo quy luật thị trường, vì thế cần có chế tài bảo đảm thông tin mà trường ĐH đưa ra về chất lượng đáng tin cậy để bảo đảm quyền của người "tiêu dùng". Mặt khác, khâu tư vấn cho học sinh cũng phải rất chuyên nghiệp" - ông Vinh nói. Chuyên gia này khẳng định đây là bài toán rất lớn nên cần phải có đánh giá tác động nhiều chiều, cả về cơ hội bình đẳng tiếp cận đến giáo dục ĐH của mọi người, tác động trên bình diện kinh tế - xã hội và chính trị khi ban hành chính sách pháp luật.

Yến Anh
Nguồn: nld.com.vn – 24/11/2017

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]