Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Nhiều ĐH 'nhập khẩu' chương trình đào tạo, hiệu quả ra sao?

22/11/2017


Nhiều trường ĐH đang đẩy mạnh 'nhập khẩu' chương trình đào tạo, có trường đã dạy như các trường ĐH thuộc top 100 trên thế giới.

Theo TS Vũ Thế Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ năm 2005 Bộ GD-ĐT có chủ trương chọn một số trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam để phát triển chương trình tiên tiến theo chuẩn thế giới, bằng cách nhập khẩu về các trường này chương trình đào tạo của các trường thuộc top 50-100 trên thế giới. 

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là một trong 10 trường được chọn triển khai thí điểm thực hiện việc này. Khi đó nhà trường đã xây dựng chương trình tiên tiến ngành điện - điện tử từ việc nhập khẩu chương trình từ nước ngoài.

Dạy như các trường ĐH hàng đầu thế giới

Năm 2006, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm việc với ĐH Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Mỹ) trao đổi về việc nhập khẩu chương trình đào tạo ngành điện - điện tử. UIUC là trường ĐH nằm trong top 30 ở Mỹ. 

"UIUC cho phép Trường ĐH Bách khoa được sử dụng miễn phí chương trình này. Đồng thời, trong phạm vi chương trình tiên tiến này, năm nào chúng tôi cũng gửi giảng viên qua trường đối tác để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. 

Đến nay có khoảng 50 lượt giảng viên của trường sang Mỹ tham gia chương trình này. Bên cạnh đó, hơn 10 năm nay, năm nào cũng có 4-6 giảng viên của UIUC sang ĐH Bách khoa TP.HCM tham gia giảng dạy một số môn học của chương trình tiên tiến trong vài tuần để hỗ trợ giảng viên của trường" - TS Vũ Thế Dũng cho biết.

Trong khi đó PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - thông tin: "Từ năm 2002, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã thiết kế lại tất cả chương trình đào tạo, với nguyên tắc căn bản là dạy những gì các trường ĐH hàng đầu thế giới đang dạy, dạy theo phương pháp mà họ đang sử dụng. 

Chúng tôi đã tham khảo chương trình của các trường ĐH hàng đầu thế giới (các trường top 100 cho bậc thạc sĩ, top 200 cho bậc ĐH) để xây dựng chương trình cho trường mình. Nhà trường giảng dạy bằng tiếng Việt nhưng sử dụng giáo trình quốc tế. 

Các giáo trình này sẽ được dịch có bản quyền sang tiếng Việt cho năm 1, 2 của bậc ĐH; năm 3, 4 bậc ĐH và toàn bộ bậc thạc sĩ sẽ sử dụng trực tiếp giáo trình gốc (tiếng Anh) do trường lựa chọn...".

Cách đây 5 năm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng đã nhập khẩu chương trình đào tạo của các trường ĐH trên thế giới. Hiện nay các chương trình của trường có hai loại: nhập khẩu toàn phần và nhập khẩu một phần. 

Với nhập khẩu toàn phần có hai chương trình của ĐH Sunderland (Anh) là công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và quản trị kinh doanh. 

Nhập khẩu một phần có 19 chương trình hệ đào tạo chất lượng cao, với việc nhập chương trình các môn khoa học cơ bản và cơ sở ngành từ các trường ĐH Mỹ. Nhà trường hiện dạy song ngữ và có 10 chương trình hệ chất lượng cao dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Theo ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), từ năm học 2015-2016, trường đã đưa vào giảng dạy tất cả ngành học bằng chương trình đào tạo của các trường ĐH thuộc top 100 trên thế giới. 

"Nhiều ngành học của trường đã được các trường quốc tế công nhận trong đào tạo liên thông bậc ĐH và cao học" - ông Danh cho hay.

Nhiều lợi ích khi nhập khẩu chương trình

Theo TS Vũ Thế Dũng, với việc nhập khẩu chương trình, các trường ĐH Việt Nam được lợi rất nhiều. Qua đó, mối liên hệ giữa Trường ĐH Bách khoa với các trường đối tác rất chặt chẽ, giảng viên của trường thường xuyên liên lạc qua lại đề tài cùng nghiên cứu, trao đổi giảng viên... 

Khi giảng viên các nước sang giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa, họ còn giới thiệu học bổng sau ĐH cho sinh viên giỏi.

"Chương trình đào tạo kỹ sư trước đây của Trường ĐH Bách khoa rất nặng. Trong khi với chương trình nhập khẩu, sinh viên học nhẹ nhàng hơn, khoảng 140 tín chỉ, thời gian đào tạo 4 năm. Việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, giáo trình nước ngoài, nên sinh viên ra trường có kỹ năng tiếng Anh rất tốt..." - ông Dũng cho biết.

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: "Việc nhập khẩu chương trình giúp tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến, giúp sinh viên dễ dàng liên thông với các ĐH ngoài nước, và các trường bạn dễ dàng công nhận tín chỉ đã học ở Việt Nam

Hơn nữa, hiện nay rất nhiều công ty đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam nên giáo dục ĐH Việt Nam cũng phải thích ứng, để đào tạo được nguồn nhân lực thỏa mãn yêu cầu của các công ty này. Vừa qua, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này của trường chúng tôi làm việc cho các công ty đa quốc gia".

Không nên bê nguyên xi

PGS.TS Trần Lê Quan - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay nhà trường đã nhập khẩu chương trình của các nước Mỹ, Pháp, New Zealand... để triển khai các "chương trình đào tạo đặc biệt" (chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, cử nhân quốc tế) trong nhiều năm qua.

"Khi muốn nhập khẩu chương trình đào tạo, tốt nhất là phải mời được chuyên gia các trường đó về để họ đánh giá năng lực của mình, trực tiếp tham gia giảng dạy một số môn và tập huấn cho giảng viên.

Nếu chỉ nhập khẩu một cách máy móc, bê nguyên xi về thì chương trình đào tạo sẽ không thích ứng với điều kiện VN và sẽ không hiệu quả" - ông Quan nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho biết: "Khi nhập khẩu chương trình, chúng tôi không bê nguyên chương trình của các nước, mà ở phần kiến thức chuyên ngành phải hiệu chỉnh để phù hợp với điều kiện của Việt Nam".

Nhập khẩu môn học sẽ chiếm ưu thế

TS Vũ Hải Quân, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: "Hiện tại, với sự phát triển của giáo dục mở, xu hướng nhập khẩu môn học sẽ dần chiếm ưu thế. Các trường ĐH hàng đầu thế giới như ĐH Harvard, ĐH Stanford (Mỹ)... đã đưa nội dung nhiều môn học là thế mạnh của mình lên mạng, giảng viên, sinh viên hoàn toàn có thể tham khảo miễn phí".

TRẦN HUỲNH
Nguồn: tuoitre.vn – 21/11/2017

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]