Học phí ĐH công lập sẽ tăng
23/10/2017
Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định cơ chế tự chủ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập.
Theo dự thảo này, cơ chế tự chủ sẽ áp dụng với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH công lập (trừ các trường ĐH xuất sắc và hệ thống trường chính trị).
Dự kiến có các mức học phí khác nhau tùy từng loại hình tự chủ tài chính. Trong đó, loại trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, trường có quyền quyết định mức thu học phí theo nguyên tắc bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Đáng chú ý, với loại trường tự đảm bảo chi thường xuyên, dự kiến học phí sinh viên phải đóng sẽ tương đương mức học phí các trường đã được Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Cụ thể, ở năm học 2020 - 2021 học phí mỗi tháng sẽ từ 2,05 - 5,05 triệu đồng/sinh viên (tùy nhóm ngành đào tạo). Tính theo năm học (10 tháng) sẽ tương đương 20,5 - 50,5 triệu đồng/sinh viên
Mức học phí này cũng được áp dụng chung cho loại hình trường tự chủ tài chính tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức thu được thực hiện theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.
Như vậy, so với mức học phí dành cho các trường chưa tự chủ tài chính ở cùng thời điểm năm học 2020 - 2021, học phí trường tự chủ cao gấp 2 đến 3,5 lần (trường chưa tự chủ sẽ thu 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm học). Còn so với học phí trường ĐH công lập chưa tự chủ hiện nay (7,4 - 10,7 triệu đồng/năm học 2017 - 2018), học phí trên sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần.
Với trường được tự quyết định mức thu để bù đắp hoàn toàn các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí có thể cao hơn.
Trước dự thảo này, lãnh đạo một số trường ĐH công lập đều bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng đây là con đường để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, với việc tăng học phí đồng loạt khi tự chủ, nhiều người lo ngại đây sẽ là gánh nặng học phí với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…
PGS-TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nói: “Sẽ xuất hiện tình trạng có những sinh viên phải bỏ học do học phí cao khi thực hiện tự chủ đồng loạt. Đây cũng chính là điều mà trường băn khoăn, trăn trở nên chưa thực hiện đề án thí điểm tự chủ đến thời điểm này”.
Tuy nhiên, ông Thư cho rằng vẫn có 2 hướng tích cực trong hoàn cảnh này. Bởi đồng thời với việc tăng học phí thì các trường cũng phải tăng quỹ học bổng cho sinh viên lên gấp 2 - 3 lần so với hiện tại. Sinh viên học giỏi, khó khăn sẽ được nhận học bổng nhiều hơn đồng thời với chính sách vay vốn học tập.
Tương tự, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Tự chủ học phí tăng, khi đó bắt buộc người học phải cân nhắc kỹ lưỡng trong lựa chọn trường học, ngành học để ra trường có thể làm việc, kiếm tiền bù đắp cho sự đầu tư trước đó. Việc tăng học phí giúp trường có nguồn tiền để đầu tư cho điều kiện học tập, tăng chất lượng đào tạo, khi đó sẽ có tác động ngược trở lại người học”.
Hà Ánh
Nguồn: thanhnien.vn – 23/10/2017