Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Cách chọn tổ hợp xét tuyển để tăng cơ hội vào Đại học

27/06/2020

Có hàng trăm tổ hợp xét tuyển vào đại học, nhưng nếu biết cách lựa chọn, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Có hơn 150 tổ hợp xét tuyển

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh trong hai năm 2018 và 2019, các trường ĐH đã sử dụng 150 tổ hợp để xét tuyển.

Tuy nhiên, chỉ có 5 tổ hợp được lựa chọn nhiều nhất với gần 90% nguyện vọng là A00 (Toán - Lý - Hóa), D01 (Toán - Văn - Anh), A01 (Toán - Lý - Anh) B00 (Toán - Hóa - Sinh), C00 (Văn - Sử - Địa).

10% nguyện vọng còn lại thuộc về hơn 140 tổ hợp khác.

Theo Điều 8 - Quy chế Tuyển sinh đại học năm 2020, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển trước hết là sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán hoặc Ngữ văn để xét tuyển.

Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).

Đối với các trường/ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một bài thi/môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.

Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Lựa chọn tổ hợp như thế nào để trúng tuyển cao nhất

Ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho hay với hàng trăm tổ hợp thì thí sinh có nhiều sự lựa chọn.

Tuy nhiên, theo quy định mỗi ngành được sử dụng không quá 4 tổ hợp để xét tuyển. Trong khi đó, mỗi thí sinh đều có một số môn học sở trường, có thể ghép thành tổ hợp để sử dụng xét tuyển. Dĩ nhiên, việc ghép này phải phù hợp với tổ hợp mà ngành/trường đó sử dụng.

“Các em có thể sử dụng tất cả 4 tổ hợp để xét tuyển cùng lúc vào một ngành yêu thích để tăng khả năng trúng tuyển” - ông Phương khuyên.

Ông Phương cũng lưu ý thực trạng chung về tuyển sinh là có nhiều phương thức không “quan tâm” đến tổ hợp xét tuyển mà đánh giá toàn diện năng lực của học sinh. Cụ thể như phương thức xét tốt nghiệp, điểm đánh giá năng lực hoặc xét tuyển thẳng bằng các chứng chỉ quốc tế... Vì vậy, học sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường.

Còn ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khuyên thí sinh nên so sánh điểm thi của mình với các nhóm tổ hợp, và tổ hợp nào có điểm cao hơn thì đăng ký xét tuyển để có lợi thế.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - ông Trần Đình Lý thì lưu ý hiện nhiều trường cho phép dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành, do vậy thí sinh cần biết cách lựa chọn tổ hợp khi đăng ký xét tuyển để tăng cơ hội.

Các trường có thể đưa ra độ chênh của điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, quy định chỉ tiêu dành cho từng tổ hợp. Như vậy, theo ông Lý, thí sinh cần nghiên cứu kỹ quy định đã được công khai trên trang thông tin tuyển sinh của các trường. Sau khi xác định được độ chênh điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, thí sinh căn cứ vào kết quả thi của mình để xác định đúng tổ hợp nào có lợi nhất. Nếu trường quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp, thí sinh có thể sử dụng nhiều tổ hợp để đăng ký xét tuyển vào ngành, mỗi tổ hợp là một nguyện vọng.

Còn ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng đào tạo, Giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, lưu ý “Thí sinh hãy ôn tập thật tốt. Nếu đã chọn khối A00 (Toán-Lý-Hóa) thì hãy ôn tập tốt ba môn này, ngoài ra phải học thêm các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Sinh học sẽ dễ dàng lựa chọn tổ hợp xét tuyển.

Ông Sơn cũng cho rằng hiện nay các trường ĐH có sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ nên việc học đều các môn ở trường phổ thông sẽ rất có lợi thế. 

Lê Huyền
vietnamnet.vn – 27/06/2020

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang