Xét tuyển vào ĐH: Thí sinh nên lựa chọn tổ hợp nào ?
18/06/2020
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, dù có cả trăm tổ hợp xét tuyển, nhưng dựa vào kinh nghiệm các năm trước thì trên 85% thí sinh trúng tuyển ở các tổ hợp truyền thống A, A1, B, C, D1.
Từ ngày 15 - 30.6 là thời gian thí sinh (TS) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký xét tuyển vào ĐH. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS Nguyễn Thu Thủy (ảnh), quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, đưa ra một số khuyến cáo dành cho TS.
Từ nhiều năm nay, các trường đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển bên cạnh các tổ hợp truyền thống. Điều này sẽ giúp cho TS có nhiều cơ hội đỗ ĐH hơn?
Theo quy định tại điều 8 quy chế tuyển sinh hiện hành thì nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển được quy định như sau: Trước hết là sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi toán, văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.
Đặc biệt, các trường không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành. Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất 1 bài thi/môn thi toán hoặc văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Năm 2020, chưa có thống kê đầy đủ nên chưa biết chính xác tỷ lệ các tổ hợp truyền thống chiếm bao nhiêu phần trăm trong chỉ tiêu mà các trường thể hiện trong phương án tuyển sinh. Nhưng thống kê các năm 2018 và 2019 cho thấy các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Nhưng 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nhiều tổ hợp khác có TS đăng ký, nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng. Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít TS đăng ký.
Qua đó cho thấy, tuy các trường đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho TS, nhưng thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc TS lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển.
Năm nay nhiều phương thức tuyển sinh. Theo bà, TS cần chú ý những gì để không bị “loạn” khi lựa chọn nguyện vọng cũng như phương thức xét tuyển để có cơ hội trúng tuyển cao vào ngành yêu thích?
Các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc xác định phương thức tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển. Qua đề án tuyển sinh đã công khai trên cổng thông tin điện tử của các trường, hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT và kết quả học tập THPT để xét tuyển. Việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển trong tuyển sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển và lựa chọn vào các ngành yêu thích và các trường yêu thích của mình.
Tuy nhiên quy chế tuyển sinh hiện hành đã quy định: "TS xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi đến trường trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, TS đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác". Vì vậy, TS cần cân nhắc và quyết định lựa chọn ngành trúng tuyển yêu thích để nộp giấy chứng nhận kết quả thi và nhập học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ bớt đánh đố
Ngày 17.6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ GD-ĐT rà soát công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo Phó thủ tướng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có 2 điểm dư luận xã hội, cũng như Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Một là kỳ thi tổ chức theo luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, đòi hỏi bớt tính “đánh đố” nhưng đảm bảo sự phân hóa và độ tin cậy cho các trường ĐH tham khảo để tuyển sinh. Thứ hai là kỳ thi năm nay phù hợp với lộ trình đổi mới thi, song song với tinh thần phòng, chống dịch bệnh, khâu tổ chức được giao cho địa phương. Khi giao cho địa phương thì tính trung thực, khách quan, công bằng phải được đảm bảo.
Theo ông Đam, Chính phủ, Thủ tướng sẽ có một chỉ thị cụ thể, trên tinh thần Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi, trực tiếp chỉ đạo các khâu thuộc trách nhiệm của Bộ, trong đó đặc biệt lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát. Ở địa phương, giao trách nhiệm trực tiếp là chủ tịch UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Phó thủ tướng tin tưởng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ đáp ứng được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, trung thực nhưng không gây áp lực, căng thẳng cho học sinh và xã hội.
Chí Hiếu
|
Không được thông báo kết quả xét tuyển khi người học chưa tốt nghiệp THPT
PGS Nguyễn Thu Thủy cho biết Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH thực hiện đúng quy định của luật Giáo dục ĐH, quy chế tuyển sinh và các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển sinh. Các trường phải tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh.
Trong việc thông báo trúng tuyển nhập học đối với phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả thi THPT, các trường không được thông báo kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển… khi người học chưa tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và các bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
|
Quý Hiên
thanhnien.vn – 18/06/2020