Thí sinh nên cân nhắc kỹ về 3 nguyện vọng đầu tiên khi đăng ký xét tuyển
11/06/2020
Năm 2020, ngoài một số điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật, Quy chế tuyển sinh 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ năm 2020 đang đến gần. Ý kiến từ các chuyên gia, các trường ĐH cho rằng: Thí sinh nên cân nhắc các nguyện vọng xét tuyển sao cho hợp lý, đặc biệt là những nguyện vọng đầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), về cơ bản Quy chế năm nay không có nhiều thay đổi so với các năm trước. Năm nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (từ tháng 7-2020), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (GDĐH) có hiệu lực từ tháng 7-2019. Theo Luật, Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khoẻ; đồng thời không tuyển sinh các trình độ trung cấp sư phạm, trình độ CĐ, chỉ tuyển ngành Giáo dục mầm non.
Tất cả các trường phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh cho các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển (đối với tuyển sinh chính quy xét tuyển đợt 1 năm 2020).
Năm nay, quy chế thi tiếp tục cho phép thí sinh ĐKXT không giới hạn nguyện vọng, kết quả thống kê số nguyện vọng của những năm trước cho thấy, có trường hợp, học sinh đăng ký đến 48 hoặc 50 nguyện vọng. Tuy nhiên, số liệu của Vụ GDĐH cũng cho thấy rằng: Trong thời gian qua, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Vì thế, dù có những thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì sẽ không sử dụng tới nguyện vọng thứ 3, 4 nữa.
Theo đó, các em vẫn cần phải xác định được nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình”- PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng: Các trường mở rộng nhiều phương thức xét tuyển: Tuyển thẳng, tuyển dựa vào học bạ, tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tuyển bằng hình thức kết hợp thi THPT và học bạ… điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội vào ĐH của các em cũng nhiều hơn. Nhưng câu chuyện chọn ngành, chọn trường… không phải là câu chuyện của thời gian cuối, vì thế, thí sinh cần cân nhắc nguyện vọng dựa trên năng lực, sở trường, mong muốn của bản thân.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Nếu học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường ĐH nào đó, kể cả trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, việc đầu tiên nên căn cứ vào lực học của mình, sau đó tham khảo phổ điểm của ngành đào tạo mà mình dự định đăng ký. Cảm thấy vừa với sức học của mình thì đăng ký”. Đồng thời, các em nên đăng ký vào ngành mình thích nhất và nên để ngành đó là nguyện vọng 1. Sau đó, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Các em cũng nên đăng ký dự phòng một ngành nào đó để tránh rủi ro.
Hiện nay, một số trường khi công khai đề án tuyển sinh cũng công bố ngay ngưỡng điểm “sàn” để xét tuyển đầu vào. Ví dụ như ĐH Hà Nội, năm 2020, trường xét tuyển thí sinh có tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật lý, tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 16 điểm trở lên (theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số).
ĐH Kinh tế quốc dân cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến 18 điểm (gồm điểm ưu tiên). Điểm trúng tuyển xác định theo ngành/chương trình. Không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển.
Trường cũng công bố phương án xét tuyển kết hợp, gồm 5 đối tượng, điểm sàn dự kiến riêng cho từng nhóm đối tượng khoảng từ 14 đến 18 điểm. Ví dụ: Thí sinh đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" trên Đài truyền hình Việt Nam và có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trở lên (dự kiến 18 điểm gồm điểm ưu tiên). Hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên và có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của 2 môn (Toán và 1 môn bất kỳ trừ môn tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên…
Tuy nhiên, đây chỉ là ngưỡng đảm bảo đầu vào, tức là số điểm tối thiểu để thí sinh có thể được xem xét xét tuyển, còn điểm trúng tuyển (hay còn gọi là điểm đỗ) có thể sẽ cao hơn rất nhiều ngưỡng tối thiểu đầu vào. Vì thế, các chuyên gia vẫn khuyên các thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển của các trường mình đăng ký nguyện vọng trong 2 năm liên tiếp, cân nhắc khả năng của bản thân. Thường thì các thí sinh nên dự phòng điểm trúng tuyển năm sau cao hơn năm trước khoảng 1 điểm trở lên để có sự cân nhắc kỹ lưỡng với các nguyện vọng đầu đăng ký. Đồng thời, khi đăng ký nên mạnh dạn, có tính toán nguyện vọng dự phòng để đảm bảo các em có thể đỗ ngay từ các nguyện vọng đầu, không phải mất thời gian cho việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng.
Phan Thủy
phapluatxahoi.vn – 11/06/2020