Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Bộ GDĐT cần sớm chốt phương án thi

08/09/2014

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Tuy nhiên, điều đáng nói là đến thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa chốt phương án cuối cùng tổ chức thi, mặc dù trước đó lãnh đạo bộ khẳng định sẽ quyết định phương án thi trước thời điểm khai giảng năm học mới. Điều này khiến không ít phụ huynh, học sinh cảm thấy lo lắng khi năm học này sẽ chính thức thực hiện kỳ thi chung.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GDĐT tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục ĐH. 

Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT công bố công khai ngay trong đầu năm học 2014-2015 phương án thi của kỳ thi này, khi mà trước đó Bộ GDĐT đã đưa ra 3 phương án thi khác nhau để lấy ý kiến dư luận xã hội. Ngoài ra, còn có một số phương án khác như phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội (thi theo hình thức trắc nghiệm và tích hợp thi theo bài thi). Phương án được lựa chọn chính thức phải bảo đảm việc đánh giá có tính khách quan nhất, đáp ứng hai mục tiêu trên; tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa việc gây phiền hà cho người học và nhân dân, được xã hội đồng thuận cao.

Đối với năm học mới, đây là vấn đề rất nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và phương hướng năm học 2014 - 2015 cách đây chưa lâu, Bộ GDĐT chính thức công bố sẽ tổ chức kỳ thi này trong năm học mới, đồng thời đưa ra 3 phương án thi khác nhau để lấy ý kiến xã hội, từ đó có cơ sở lựa chọn phương án thi cuối cùng hợp lý nhất.

Trong đó, phương án 1 - thi theo môn thi, được phần lớn sở GDĐT các tỉnh ủng hộ với lý do: Phương án này có thể thực hiện được ngay trong năm sau. Với phương án thi theo bài thi, nhiều sở GDĐT cho rằng giáo viên và học sinh chưa được chuẩn bị kỹ nên nhất thiết phải có thời gian để thay đổi theo hướng dạy và học bằng phương pháp tích hợp. Thay đổi ngay trong năm sau theo hai phương án này sẽ khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn. 

Phương pháp dạy và học theo hướng tích hợp cũng khiến nhiều trường THPT lo lắng, khi mà không ít nơi trình độ giáo viên còn chênh lệch, giáo viên đạt chất lượng tốt còn thiếu nhiều, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn. Đại diện Sở GDĐT Cần Thơ cho rằng, phương án 1 cần được duy trì ít nhất 3 năm thì mới đủ thời gian để chuẩn bị cho mọi sự thay đổi này, tránh đảo lộn quá lớn về tâm lý của thầy-cô giáo, học sinh và cả phụ huynh trước sự thay đổi lớn này.

Dù vẫn “ngổn ngang trăm mối tơ vò” như vậy, nhưng với sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GDĐT buộc phải sớm công bố phương án thi cuối cùng để các trường sớm bắt tay vào đổi mới dạy, học theo cách thức thi mới. Về điều này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định, yếu tố đầu tiên để đảm bảo chất lượng kỳ thi này là yếu tố tin cậy để các trường có thể sử dụng làm công tác tuyển sinh. 

Bởi, nếu kết quả không tin cậy mà các trường phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng nữa, rõ ràng lại phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều. “Bộ đã đề xuất các giải pháp để đảm bảo độ tin cậy, công bằng cho kỳ thi. Ví dụ, tổ chức điểm thi theo từng cụm, tỉnh, tổ chức chấm thi chungụm liên tỉnh, các vùng. Cán bộ tham gia kỳ thi quốc gia này gồm cán bộ Sở GDĐT, trường phổ thông, trường đại học cùng tham gia, và chúng ta làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng” - Thứ trưởng Ga nói.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, giáo viên, học sinh không nên quá lo lắng bởi trước mắt, cách học và dạy phổ thông chưa thay đổi gì. Dù thi theo môn hay thi tổng hợp bài nhiều môn, chưa yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức tích hợp. Học sinh vẫn học như bình thường, chương trình SGK vẫn thế, không thay đổi. 

Ông nhấn mạnh: “Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh, trước hết các em chỉ thi một kỳ thi thôi, nhưng sử dụng kết quả đó để xét rất nhiều trường ĐH, CĐ. Thứ hai, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi 3 chung trước đây. Khi có kết quả tuyển sinh rồi, tùy theo kết quả đạt được mới xét tuyển vào các trường mà yêu cầu đầu vào phù hợp”.

Dương Hà (laodong.com.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang