Điểm chuẩn xét tuyển sẽ tăng mạnh
06/09/2014
Đầu tuần tới, hầu hết các trường ĐH sẽ kết thúc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu tiên. Đại diện nhiều trường cho biết, điểm chuẩn xét tuyển có thể sẽ tăng mạnh so với điểm công bố xét tuyển.
Dưới 20 điểm, không nên nộp hồ sơ
Tính đến ngày 5.9, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã nhận được khoảng 3.000 hồ sơ. Trong đó, thí sinh tập trung nhiều nhất vào 3 ngành gồm: ngôn ngữ Nhật trên 600 (80 chỉ tiêu), ngôn ngữ Anh trên 300 (80 chỉ tiêu), vật lý học trên 370 (60 chỉ tiêu). Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết hầu hết các ngành đều có số hồ sơ trên 200 bộ (trừ ngành sư phạm tiếng Trung tuyển 35 chỉ tiêu nhưng đến nay mới chỉ có 6 thí sinh nộp). Vì vậy, dự kiến điểm trúng tuyển một số ngành sẽ tăng khá mạnh so với điểm công bố xét tuyển. Trừ ngành sư phạm tiếng Trung, điểm chuẩn các ngành còn lại thấp nhất có thể phải từ 17 trở lên (với ngành không nhân hệ số) và từ 24 trở lên (với ngành có nhân hệ số).
Hôm qua 5.9 cũng là ngày cuối cùng Trường ĐH Sài Gòn nhận hồ sơ xét tuyển. Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin trường đã nhận được trên 16.500 hồ sơ. Theo tiến sĩ Sơn, điểm chuẩn xét tuyển tất cả các ngành sẽ tăng so với điểm nhận hồ sơ. Dự kiến trường này sẽ công bố kết quả trong hôm nay 6.9.
Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TP.HCM thông báo gia hạn thời gian nhận hồ sơ xét tuyển ngành dược bậc CĐ ngày 9 và 10.9. PGS-TS Đặng Văn Tịnh cho biết trường xét 100 chỉ tiêu với mức điểm 14 trở lên ở khối B nhưng nếu thí sinh có tổng điểm dưới 20 (đã gồm điểm ưu tiên) thì không nên nộp hồ sơ!
Một số trường khác, lượng hồ sơ khá nhiều. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận được khoảng 12.000 bậc ĐH trong khi chỉ tiêu cần tuyển là 1.660, bậc CĐ nhận được trên 3.000 trong khi chỉ tiêu là 600. Trường ĐH Tài chính - Marketing trên 800. Theo thống kê từ trường này, tất cả các ngành thí sinh nộp hồ sơ về đều cao hơn chỉ tiêu cần tuyển. Một số ngành hồ sơ gấp đôi so với chỉ tiêu gồm: thuế 129 hồ sơ/50 chỉ tiêu, thẩm định giá 101/50, tài chính ngân hàng 97/50...
Nhiều nhưng lo ảo
Đợt xét tuyển nguyện vọng năm nay trong khi một số trường ngoài công lập lo lắng ít hồ sơ, nhiều thí sinh ảo thì một số trường vui mừng vì có thêm thí sinh từ đề án tuyển sinh riêng.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện chỉ mới nhận được khoảng 50% hồ sơ. So với năm ngoái, hiện nay hồ sơ của trường sụt giảm khá nhiều. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho biết số lượng hồ sơ không bằng năm 2013 nhưng cũng tạm ổn và phân bố đều, không có sự chênh lệch nhiều giữa các ngành. Những ngành vẫn còn ít hồ sơ là thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, kỹ thuật phần mềm, kỹ thuật công nghệ môi trường, kỹ thuật nhiệt lạnh. Có trường hợp một số thí sinh nộp đến 6 bộ hồ sơ xét tuyển (thi 2 ngành). Nhiều hơn là thí sinh nộp khoảng 3 bộ hồ sơ. Vì thế, theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, số lượng hồ sơ ảo cũng sẽ có khá nhiều.
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, trường đã nhận được khoảng 2.300 hồ sơ (chỉ tiêu khoảng 1.000). Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ có nhiều hồ sơ ảo nên số lượng trúng tuyển và nhập học chỉ có khoảng 50% so với số lượng hồ sơ nộp xét tuyển. Các ngành khối khoa học công nghệ, thiết kế, số hồ sơ chỉ khoảng 50%, còn rất nhiều chỉ tiêu. Bậc CĐ sụt giảm hồ sơ đáng kể so với năm 2013.
Trong khi đó, với đề án tuyển sinh riêng, một số trường đã nhận được khá nhiều hồ sơ. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận được khoảng 2.000, trường chỉ nhận xét tuyển riêng đối với học sinh học hệ THPT, không nhận hệ GDTX. Trái với những năm tuyển sinh gần đây, năm nay do theo đề án tuyển sinh riêng, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định đã nhận được số lượng hồ sơ bằng với 75% chỉ tiêu.
Nhiều rắc rối về điểm ưu tiên
Thí sinh Đinh Anh Kiệt ngụ tại ấp Ninh Phước, xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh, thi khối A1 vào ngành kỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đạt 16 điểm. Hộ khẩu gia đình thuộc khu vực 1 (được hưởng 1,5 điểm) nhưng trường chuyển xuống khu vực 2 nông thôn (được hưởng 1 điểm). Vì thế, Kiệt thiếu 0,5 điểm và không trúng tuyển. Phụ huynh đã làm đơn đến Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đề nghị xem xét giải quyết.
Ngày 4.9, hai thí sinh thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phản ánh với Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM về việc từ đậu thành rớt. Theo đó, trường này đã cấp giấy báo nhập học cho thí sinh nhưng sau đó lại thông báo thu hồi giấy báo nhập học.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thái, chuyên viên tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết khi thực hiện việc này, trường biết thí sinh rất hụt hẫng. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại hồ sơ, 2 thí sinh này không thuộc đối tượng ưu tiên nên không thể xét trúng tuyển. Trước đó, trường xét trúng tuyển trên cơ sở hồ sơ thí sinh khai, Sở GD-ĐT địa phương cũng kiểm tra và để như vậy. Trường căn cứ theo dữ liệu này để xét trúng tuyển. Nhưng sau đó, khi hậu kiểm thì thí sinh không được hưởng ưu tiên, dẫn đến không trúng tuyển, phải thu hồi giấy báo nhập học. Theo đại diện nhà trường, đây chỉ là 2 sai sót trong số hơn 500 trường hợp liên quan đến khu vực ưu tiên trong năm nay.
|
Đăng Nguyên - Hà Ánh
Nguồn: thanhnien.com.vn