Ba tiêu chí: Quy củ, khách quan, công bằng
04/09/2014
Vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm của dư luận trong dịp khai giảng năm học 2014-2015 là việc chốt phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT hiện vẫn tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp, chỉnh sửa các phương án với đích đến là tạo thuận lợi cho HS.
Nhận diện kỳ thi "hai trong một"
Sau nhiều cuộc tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục, mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chính thức khẳng định: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và ưu điểm của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức "ba chung". Yêu cầu đặt ra với kỳ thi này là vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Những thông tin mới nhất cho thấy phần nào hình hài của phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Như Bộ GD-ĐT "bật mí": Trong ba phương án được công bố, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Phương án 3 (phương án tích hợp 11 môn thi thành 5 bài thi) là mục tiêu hướng tới, song, với điều kiện hiện nay thì chưa thể thực hiện ngay được. Vì vậy, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được lựa chọn trong 2 phương án còn lại. Dù quyết định phương án nào thì so với phương án công bố ban đầu, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, nhằm kế thừa và phát huy tối đa những mặt mạnh của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, hình thức tổ chức kỳ thi "hai trong một" dự kiến có những thay đổi căn bản, trong đó, rõ nhất là việc tổ chức kỳ thi theo cụm, các trường ĐH, CĐ đóng vai trò chủ trì, có sự tham gia của giáo viên ĐH, CĐ và phổ thông. Việc chấm thi được thực hiện theo vùng, miền. HS sẽ đăng ký nguyện vọng trước khi thi, trong đó nêu rõ nguyện vọng có thi ĐH, CĐ hay không. HS hoàn thành chương trình lớp 12, nếu không có nguyện vọng học ĐH, CĐ thì có thể dự thi ngay ở trường học tại địa phương nhằm giảm sự tốn kém. Cùng thời điểm này, HS đăng ký thi ĐH, CĐ sẽ dự thi ở các cụm thi do Bộ GD-ĐT quyết định với hai mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tạo căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào. Nội dung đề thi sẽ được thiết kế theo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; trong đó vừa có phần kiến thức cơ bản, vừa có phần kiến thức nâng cao nhằm phân hóa trình độ HS để phục vụ cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc xây dựng câu hỏi theo hướng mở, vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn cũng được ứng dụng từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều để HS có thể làm quen.
Ba phương án thi của Bộ GD-ĐT:
- Phương án 1: Thi 8 môn, trong đó HS phải thi tối thiểu 4 môn gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn.
- Phương án 2: Thi 5 bài, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tích hợp từ môn vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (tích hợp từ lịch sử, địa lý).
- Phương án 3: Thi 4 bài, gồm toán - tin; ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tích hợp từ môn vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ), khoa học xã hội (tích hợp từ ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
|
Hướng đến quyền lợi của HS
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 của ngành GD-ĐT, liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc tổ chức kỳ thi này có tác động lớn đến toàn xã hội, đến từng gia đình, từng bậc phụ huynh và HS, muốn thành công thì phải tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Theo Phó Thủ tướng, nếu tổ chức một kỳ thi mà giảm được sự tốn kém cho xã hội, cho các gia đình, tạo được sự thuận lợi cho HS, tiếp cận được mục tiêu giáo dục theo định hướng đổi mới căn bản, toàn diện mà toàn ngành đang triển khai thì phải quyết tâm thực hiện. Trước khi có quyết định chính thức, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục lắng nghe các ý kiến từ nhiều phía để lựa chọn phương án thi tối ưu và tạo thuận lợi tối đa cho HS.
Mục tiêu giáo dục, theo Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là chuyển từ trang bị kiến thức sang hình thành năng lực, phẩm chất cho HS, rõ hơn là chuyển từ yêu cầu HS biết gì sang yêu cầu HS biết vận dụng kiến thức đã học để làm được gì. Đổi mới thi cử được Bộ GD-ĐT coi là khâu đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, mục tiêu đổi mới thi cũng đã được xác định tại Nghị quyết 29-NQ/TƯ là "giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS".
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, muốn đạt được mục tiêu này thì ngành giáo dục và toàn xã hội phải chung sức quyết tâm, kiên trì chống "bệnh thành tích" và các hành vi tiêu cực. Đây là yêu cầu được đặt ra trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ nhiều năm qua, nhưng chưa đạt hiệu quả cần thiết. Vì vậy, toàn ngành cần tập trung tổ chức tốt kỳ thi quốc gia nhằm đo chính xác, khách quan năng lực của HS. Có như vậy thì các trường ĐH, CĐ mới có thể yên tâm sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Để chống "bệnh thành tích", đặc biệt là trong khâu coi thi vốn được coi là yếu nhất hiện nay, Bộ GD-ĐT không nên thống kê kết quả tốt nghiệp để xếp loại các trường, các địa phương. Khi không phải chịu sức ép thành tích, chắc chắn thầy và trò sẽ tự tin hướng đến việc dạy - học thực chất. Thầy dạy tốt, trò học tốt, càng tự tin thì càng hạn chế được tiêu cực.
Rõ ràng, dù chọn phương án nào thì việc tổ chức thi cũng phải bảo đảm sự quy củ, khách quan, công bằng. Có như vậy thì giáo dục phổ thông mới có thể đi vào quỹ đạo chất lượng thật, bảo đảm quyền lợi học tập của HS theo định hướng tiếp cận năng lực như yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TƯ.
Thống Nhất (hanoimoi.com.vn)