Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Căng thẳng cuộc đua nguyện vọng 2
04/09/2014
Do số lượng thí sinh đạt điểm sàn cao hơn mọi năm, nên dù chỉ tiêu khá dồi dào nhưng để giành được “suất” trúng tuyển thì các thí sinh cũng phải cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua nguyện vọng bổ sung. Nhiều trường nhận được hồ sơ xét tuyển NV2 cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu khiến cuộc đua trở nên khá căng thẳng.
Trường ĐH Sài Gòn đã nhận hơn 15.000 hồ sơ xét tuyển trong khi chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung của trường năm nay là 500 bậc ĐH và 375 chỉ tiêu bậc CĐ. ĐH Cần Thơ tuyển chưa tới 400 chỉ tiêu nhưng đã có trên 5.000 hồ sơ, trong đó có những ngành “bội thực” hồ sơ, như Sinh học ứng dụng có 50 chỉ tiêu nhưng có tới gần 1.200 hồ sơ; ngành Hệ thống thông tin có 15 chỉ tiêu nhưng có tới gần 200 hồ sơ…
ĐH Công nghiệp TPHCM tuyển hơn 2.300 chỉ tiêu nhưng đã có hơn 4.100 hồ sơ. ĐH Sư phạm TPHCM cũng nhận được khoảng 2.500 hồ sơ cho 575 chỉ tiêu.
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng - cho biết, sau một tuần tiếp nhận đăng ký nguyện vọng bổ sung, trường đã nhận được gần 500 hồ sơ xét tuyển, tăng khoảng 200 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2013. Những ngành thí sinh nộp hồ sơ nhiều là công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ kỹ thuật tự động hóa; công nghệ hóa học; công nghệ thực phẩm; kế toán; luật kinh tế… Dự kiến điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung các ngành hệ đại học bằng mức sàn; riêng ngành dược khối A dự kiến 14 điểm, khối B 15 điểm.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - cho biết, trường đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ xét tuyển cho tổng chỉ tiêu 1.700, đa số tập trung ở nhóm ngành thực phẩm, sinh học trong khi nhóm ngành tài chính - ngân hàng, điện tử và cơ khí rất ít. Dự kiến, các ngành khối công nghệ lấy mức điểm chuẩn khoảng 17, khối kinh tế là 15 và khối cơ khí khoảng 13,5 điểm. Với bậc cao đẳng, dự kiến các ngành du lịch, may, điện tử, cơ khí, công nghệ vật liệu, điện lạnh có điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung bằng điểm sàn.
Dù được dự báo có nguồn tuyển dồi dào, song một số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vẫn dự đoán là một năm khó khăn trong tuyển sinh. GS.TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng - cho biết, trong khi các trường công lập lấy ngang điểm sàn thì thí sinh chẳng dại gì mà vào trường dân lập để đóng học phí cao hơn, ra trường lại khó xin việc hơn. Hơn nữa, các đợt xét tuyển các trường cũng rất đau đầu vì thí sinh ảo, các em tới nộp hồ sơ nhiều, nhưng tới làm thủ tục lại rất ít.
Bạch Dương (laodong.com.vn)