Bật mí về cấu trúc đề thi đại học 2011
Thông tin từ Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh ĐH năm 2011 sẽ không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra đề vào những phần giảm tải, cắt bỏ. Đề thi sẽ không quá khó...
Đề thi không quá khó
Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, theo quy định của Bộ GD-ĐT, phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.
Đề thi tuyển sinh năm 2011 sẽ không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra đề vào những phần giảm tải, cắt bỏ. Đồng thời không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề quá khó, quá phức tạp.
So với năm 2010, định hướng và cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT không có gì thay đổi. Cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT đối với tất cả các môn thi, trừ môn ngoại ngữ, sẽ gồm hai phần là phần chung và phần riêng. Phần chung cho tất cả thí sinh ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng (phần tự chọn) ra theo từng chương trình chuẩn và nâng cao.
Theo quy định, thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Thí sinh nào làm cả hai phần riêng, bài làm sẽ bị coi là phạm quy. Bài thi của thí sinh chỉ được chấm điểm phần chung. Cả hai phần riêng, dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hoàn toàn cũng đều không được chấm.
Thí sinh được chọn một trong hai phần riêng mà mình thấy phù hợp để làm bài, không bắt buộc thí sinh học theo chương trình chuẩn hay nâng cao phải chọn phần riêng tương ứng theo chương trình đó.
Không được mang theo bảng tuần hoàn và atlat
Một điểm thí sinh dễ nhầm lẫn, sơ suất dẫn đến có thể vô tình phạm quy, đó là quy định trong kỳ thi tuyển sinh có điểm khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đối với thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh không được mang vào phòng thi bảng tuần hoàn và atlat địa lý. Thí sinh cần lưu ý điểm này để tránh vi phạm quy chế vì theo quy định, mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị lập biên bản đình chỉ thi.
Khi đến làm thủ tục dự thi, thí sinh phải mang theo đầy đủ những loại giấy tờ sau: giấy báo thi, phiếu số 2 trong hồ sơ đăng ký dự thi, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tốt nghiệp (đối với HS vừa tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2011) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp (đối với những thí sinh đã tốt nghiệp từ năm 2010 trở về trước) cùng các loại giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có)...
Nếu bị mất bất cứ loại giấy tờ nào, thí sinh sẽ phải làm cam đoan để hội đồng thi đối chiếu với hồ sơ gốc, tiến hành chụp hình tại chỗ... xem xét cho phép vào dự thi.
Trong trường hợp mất giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp, thí sinh cũng có thể làm cam đoan và được dự thi. Nhưng sau đó trường sẽ yêu cầu thí sinh phải nộp bổ sung bản sao bằng tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT (đối với những trường hợp mất bằng) và bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp (nếu bị mất giấy chứng nhận tốt nghiệp).
Mất thẻ dự thi vẫn được dự thi
Thí sinh phải có mặt tại trường đã đăng ký dự thi theo đúng thời gian và địa điểm ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi.
Xuất trình giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với những thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp (đối với những thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước); Nhận Thẻ dự thi (nếu Giấy báo dự thi không kiêm thẻ dự thi); Nhận phòng thi và nghe phổ biến quy chế dự thi.
Nếu thấy có những sai sót hoặc nhầm lẫn về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng, khu vực ưu tiên, khối thi, trường và ngành học..., thí sinh phải báo cáo Hội đồng tuyển sinh để điều chỉnh ngay. Trường hợp bị mất Thẻ dự thi hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh phải báo cáo và làm cam đoan để Uỷ viên phụ trách điểm thi xem xét, xử lý.
Đề thi sai sót thí sinh thêm giờ làm bài
Trường hợp đề thi còn có những sai sót (có thể từ đề thi gốc hoặc do sao chụp, in sao) hoặc đề thi bị lộ sẽ kéo dài thời gian làm bài thi. Bộ GD-ĐT yêu cầu các cán bộ coi thi nếu phát hiện sai sót trong đề thi phải báo cáo ngay với hội đồng tuyển sinh (HĐTS) trường và HĐTS trường báo cáo ngay với Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để có phương án xử lý thích hợp.
Tuỳ theo tính chất và mức độ sai sót nặng hay nhẹ, tuỳ theo sai sót xảy ra ở một câu hay nhiều câu của đề thi, tùy theo thời gian phát hiện sớm hay muộn, Chủ tịch HĐTS trường, sau khi xin ý kiến Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, phải cân nhắc và quyết định xử lý theo một trong các phương án như Chỉ đạo các HĐTS hoặc các điểm thi sửa chữa kịp thời các sai sót, thông báo cho thí sinh biết, nhưng không kéo dài thời gian làm bài; Chỉ đạo việc sửa chữa các sai sót, thông báo cho thí sinh biết và kéo dài thích đáng thời gian làm bài cho thí sinh; Không sửa chữa, cứ để thí sinh làm bài, nhưng phải xử lý khi chấm thi (có thể điều chỉnh đáp án và thang điểm cho thích hợp); Tổ chức thi lại môn đó vào ngay sau buổi thi cuối cùng bằng đề thi dự bị.
Chỉ có Trưởng ban Chỉ đạo thi tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (đối với đề thi chung do Bộ GD-ĐT biên soạn) hoặc Chủ tịch HĐTS trường (đối với các trường tự ra đề thi) mới có thẩm quyền kết luận về tình huống lộ đề thi.
Khi đề thi chính thức bị lộ, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc Chủ tịch HĐTS trường (với các trường tự ra đề thi) quyết định đình chỉ môn thi bị lộ, thông báo cho thí sinh biết. Các buổi thi môn khác vẫn tiếp tục bình thường theo lịch. Môn bị lộ sẽ được thi ngay sau buổi thi cuối cùng.
Nguyễn Hiền (tổng hợp)
Vietnamnet.vn