Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Xét tuyển vào đại học - Được gì, mất gì?

23/05/2014

Mùa tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT chấp thuận cho 62 trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) thực hiện đề án tuyển sinh riêng, thực chất là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học trung học phổ thông (THPT). Do đó, năm nay cơ hội vào đại học (ĐH) của thí sinh quá rộng và điều kiện xét tuyển vào ĐH-CĐ như xét vào học trung cấp và các trường nghề. Như vậy, với việc vào ĐH quá dễ sẽ giúp các cơ sở ĐH lấp đầy chỗ trong khi hệ thống các trường trung cấp, trường nghề sẽ điêu đứng và xa hơn là công tác phân luồng sẽ hoàn toàn phá sản.

Chìa khóa tốt nghiệp THPT

Thực tế cho thấy, 62 cơ sở ĐH-CĐ được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh riêng theo đề án đã trình là khá phong phú và “mỗi trường một kiểu”. Tuy nhiên, có điểm giống nhau và cơ bản nhất là xét tuyển dựa trên điều kiện tốt nghiệp THPT và điểm trung bình 3 năm THPT (lớp 10, 11, 12) đạt từ 5 - 6,5 điểm. Như vậy, với điều kiện và phương thức xét tuyển như trên, con đường vào ĐH đối với học sinh THPT trở nên thênh thang hơn. Điều này có nghĩa kỳ thi tốt nghiệp THPT chính là chìa khóa để thí sinh vào ĐH, CĐ vì thực tế hiện nay kết quả 3 năm THPT đạt trung bình từ 5 - 6,5 điểm là điều quá đơn giản với thí sinh.

Một thực tế thấy khá rõ sức hút của các trường được tuyển sinh riêng đối với thí sinh là hấp dẫn như thế nào trong năm nay. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có hơn 1.000 hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại trường (cao gấp nhiều lần so với năm ngoái), Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… lượng hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh trực tiếp tại trường cũng nhiều hơn so với năm 2013. Đối với hai trường CĐ tại TPHCM được tuyển sinh riêng có lượng hồ sơ cao đột biến là Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cùng Trường CĐ Viễn Đông. Trong đó, Trường CĐ Viễn Đông có khoảng 2.100 hồ sơ thí sinh đăng ký trực tiếp tại trường (khoảng 300 hồ sơ đăng ký xét tuyển xem như đã trúng tuyển theo đề án tuyển sinh riêng), cao hơn gần gấp 3 lần so với thí sinh dự thi vào trường năm 2013.

Tương tự, nhiều trường như ĐH Đồng Tháp, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Lạc Hồng… lượng hồ sơ thí sinh đăng ký cũng khá nhiều so với mọi năm.

Theo một chuyên gia tuyển sinh phân tích: “Rõ ràng khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào những trường vừa tuyển sinh “3 chung” và vừa tuyển sinh riêng thì gần như là chắc suất đậu, bất chấp kết quả thi tuyển sinh “3 chung” như thế nào. Chưa bao giờ việc vào đại học trở nên dễ dàng đến vậy!”.

Lợi bất cập hại

Có thể nói, bức tranh tuyển sinh năm 2014 đối với nhiều trường ĐH-CĐ tư thục trở nên tươi sáng hơn vì nhờ chiếc phao tuyển sinh riêng. Như vậy, có nghĩa bài toán sống còn đối với những ngành khó tuyển, những trường khát thí sinh đã được giải quyết. Trong khi đó, bức tranh của hệ thống các trường trung cấp cho đến các trường nghề đã u ám lại càng tối tăm hơn. Năm 2013, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT siết lại việc liên thông lên đại học đã khiến 2/3 trong số các trường trung cấp và trường nghề tuyển sinh chỉ đạt từ 30% - 50% chỉ tiêu. Năm nay, thêm việc tuyển sinh riêng vào ĐH, CĐ chỉ xét tuyển dựa trên kết quả THPT thì chắc chắn trường nghề và trường trung cấp sẽ khó lòng tuyển sinh được.

Tuy nhiên, một thực tế không khỏi lo ngại khi tình trạng cử nhân đại học, thạc sĩ lại thất nghiệp quá nhiều. Theo công bố mới đây của Bộ LĐTB-XH trong năm 2013 có hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, cao hơn 1,7 lần so với cuối năm 2012. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp nhóm có trình độ ĐH trở lên chiếm 4,25%. Như vậy, với việc “thả cửa” vào đại học như hiện nay chắc chắn trong những năm tới con số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên sẽ không dừng ở con số trên mà sẽ tăng cao hơn.

Đáng báo động nữa là công tác phân luồng học sinh ở bậc THCS và THPT sẽ bị phá sản khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề hiện chưa đến 6% (số liệu của Bộ GD-ĐT). Trong khi đó, một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2012 từng đặt ra yêu cầu “điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo” và đến năm 2020 “các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS”. Nghiêm trọng hơn, qua khảo sát thực tế của Viện Khoa học giáo dục VN có đến 97,7% học sinh muốn thi ĐH, thậm chí có nơi 100% học sinh muốn thi ĐH (khảo sát 1.737 học sinh THTP của 20 trường tại 10 tỉnh, thành ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam).

Thực tế cho thấy, hệ thống trường trung cấp và trường nghề là bậc học quan trọng, không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội mà góp phần giúp thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THPT hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài tâm lý sính bằng cấp cùng với việc không kiểm soát được chỉ tiêu tuyển sinh đại học ở các trường đã khiến hệ thống trường trung cấp, trường nghề công lập lẫn ngoài công lập vốn đã “lao đao, lận đận” nay lại càng bít lối hơn. Và nếu cứ mãi theo cái bóng của đại học thì không chỉ trường trung cấp, trường nghề khai tử mà cái mất lớn hơn là phá sản chủ trương phân luồng, việc “thừa thầy thiếu thợ” vẫn là bài toán không lời giải.

THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang