Tỷ lệ “chọi” thấp, cạnh tranh vẫn cao
20/05/2014
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có nhiều thay đổi lớn, lượng hồ sơ có xu hướng giảm, tỷ lệ "chọi" của các trường nhìn chung cũng thấp hơn so với mọi năm. Chỉ số này chỉ mang tính tương đối và không phản ánh chính xác mức độ khó, dễ của đầu vào song cũng thể hiện phần nào xu hướng chọn trường, chọn nghề của thí sinh.
Giảm hồ sơ không có nghĩa là giảm "nhiệt"
Khối kinh tế thuộc top trên, dù tỷ lệ "chọi" không quá cao song luôn hút được nguồn thí sinh chất lượng cao. Học viện Ngân hàng có số hồ sơ tăng hơn 1.000 bộ so với năm ngoái, tỷ lệ "chọi" là 1/3,27. ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh có số đăng ký tăng vọt, 13.700 bộ so với hơn 1.900 của năm ngoái, tỷ lệ chọi của ngành luật kinh tế là 1/4,9, ngôn ngữ Anh 1/7,8. Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận được 18.000 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm khoảng 4.000 hồ sơ so với năm 2013. Tỷ lệ "chọi" dự kiến khoảng 1/3,7. Trường ĐH Ngoại thương có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tương đương năm 2013 với gần 11.000 hồ sơ và chỉ tiêu là 3.200. Như vậy, tỷ lệ "chọi" là 1/3,4. Ngành kinh tế đối ngoại của trường này vẫn hút thí sinh nhất, chiếm khoảng 30% hồ sơ đăng ký dự thi.
Với khối trường này, các chuyên gia tuyển sinh cảnh báo thí sinh phải biết lượng sức mình và tham khảo điểm chuẩn qua các năm của các trường này trước khi lựa chọn. Điểm chuẩn thấp nhất theo ngành của Trường ĐH Ngoại thương thường ở mức 20 điểm trở lên. Học viện Ngân hàng từ 19,5 điểm. Ngành kế toán kiểm toán của Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhiều năm nay có mức điểm chuẩn 24,5-26,5.
Các trường thuộc nhóm y dược vẫn là các trường vừa có tỷ lệ "chọi" cao vừa có điểm chuẩn "khủng" mặc dù lượng hồ sơ giảm. Trường ĐH Y Hà Nội nhận được khoảng 10.000 bộ hồ sơ trong khi chỉ tiêu của trường là 1.000 sinh viên, như vậy tỷ lệ "chọi" là 1/10. Trường ĐH Dược có 650 chỉ tiêu với 3.200 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ "chọi" là 1/5. Trường ĐH Y tế công cộng có tỷ lệ 1/8 khi chỉ tuyển 200 sinh viên nhưng có tới 1.548 hồ sơ. Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết tỷ lệ "chọi" cao nhất thuộc về ngành xét nghiệm y học - 1/25, dược học và kỹ thuật phục hình răng đều là 1/19. Với nhóm trường này, việc giảm hồ sơ không hề đồng nghĩa với việc bớt "nóng" bởi có đầu vào là những thí sinh giỏi nhất, khiến sự cạnh tranh để có một suất vào trường càng trở nên khắc nghiệt.
Thí sinh ngày càng cân nhắc
Ở những trường thuộc nhóm giữa, tỷ lệ "chọi" có tính ổn định thấp hơn trường top đầu song cũng theo xu hướng giảm nhiệt. Bên cạnh tác động tích cực giảm lượng hồ sơ ảo, điều này lại đáng lo ngại khi các ngành, các khối khó tuyển sẽ khó khăn trong tuyển sinh. Tỷ lệ "chọi" của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội giảm đáng kể, từ 1/6,15 năm ngoái còn 1/3,8 với 33.000 bộ hồ sơ đăng ký dự thi. Tương tự, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ 1/7 với gần 39.000 hồ sơ trong khi năm ngoái là 1/9,28.
ĐH Quốc gia Hà Nội nhận được hơn 20.000 hồ sơ, giảm khoảng 25% so với năm trước. Trong đó khối C chỉ có 4.100 bộ, ít hơn năm trước tới 2.000 bộ; khối A, B, A1 có gần 10.000 hồ sơ; khối D hơn 8.000 hồ sơ. Chỉ tiêu của ĐH Quốc gia Hà Nội là 5.630. Tỷ lệ "chọi" ở các mức khác nhau tại các trường thành viên và khoa trực thuộc, song đã giảm đáng kể. ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thu nhận được 53.802 hồ sơ, giảm hơn năm trước 19% và chỉ tiêu chung của ĐH này là 12.650. Trường ĐH Thương mại năm nay thu ít hơn 3.000 hồ sơ so với năm ngoái, còn khoảng 17.000 bộ. Với chỉ tiêu 3.800, tỷ lệ "chọi" là 1/4,7, sau nhiều năm ở mức 1/11, 1/13.
Các chuyên gia tuyển sinh đã đưa ra nhiều lý do trước hiện tượng giảm hồ sơ và tỷ lệ "chọi". Trước hết, với 63 trường tuyển sinh riêng ngoài "3 chung" với các điều kiện tương đối "thoáng", nhiều thí sinh ung dung ngồi chờ xét tuyển bằng kết quả học tập và thi tốt nghiệp THPT. Chỉ cần với kết quả học tập khoảng 5-6 điểm trở lên, thí sinh đã có thể được nhận vào nhiều trường. Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh mới của các trường cũng khiến các chỉ số thay đổi so với mọi năm. Như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi thực hiện vòng sơ tuyển, số hồ sơ đăng ký là hơn 10.000 với chỉ tiêu 5.600. Tỷ lệ "chọi" chỉ là 1/1,8 song chất lượng thí sinh được cho là sẽ cao hơn, đặc biệt là lượng hồ sơ ảo giảm mạnh.
Những thông tin về nguồn nhân lực sư phạm đang dôi dư đi kèm những khó khăn về việc làm cũng khiến thí sinh cân nhắc nhiều hơn khi đăng ký vào các trường sư phạm. Năm 2014, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 17.000 hồ sơ, không tăng so với năm ngoái, chỉ tiêu vào trường là 2.800, tỷ lệ "chọi" dự kiến khoảng 1/6. Ngoài ra, theo các chuyên gia, còn có nhiều yếu tố tác động lên lượng hồ sơ và tỷ lệ "chọi" như lệ phí đăng ký tăng lên, số lượng học sinh lớp 12 giảm đi, thí sinh đã có ý thức chọn trường theo nhu cầu lao động.
Quỳnh Phạm
Nguồn: hanoimoi.com.vn