Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Sư phạm mất mùa

12/05/2014

Tình trạng dư thừa giáo viên ở khắp các tỉnh, thành đã khiến hồ sơ dự thi vào các trường sư phạm giảm mạnh so với các năm trước

Sau những cảnh báo dư thừa nhân lực vừa qua, lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường sư phạm trong năm 2014 giảm mạnh. Tại nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), lượng hồ sơ ĐKDT vào khối sư phạm giảm tới 50%-60%

Thiếu sức hút

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đắk Lắk cho biết năm nay, số hồ sơ dự thi vào các trường giảm gần 50% so với năm ngoái. Cụ thể: Trường ĐH Sư phạm TP HCM chỉ có 543 hồ sơ; Trường ĐH Sài Gòn: 633 hồ sơ; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 7 hồ sơ; Trường CĐ Sư phạm 2: 4 hồ sơ; Trường CĐ Sư phạm Trung ương 3: 155 hồ sơ; Trường CĐ Sư phạm Trung ương 2: 269 hồ sơ; Trường CĐ Sư phạm Trung ương 1: 1 hồ sơ.

Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cũng cho biết lượng hồ sơ vào một số trường sư phạm giảm so với năm ngoái như hồ sơ vào Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh là 1.381, giảm gần 200 bộ so với năm ngoái; Trường ĐH Sài Gòn: 546 bộ, giảm 230 bộ; Trường Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: 317 bộ, giảm 200 bộ. Chỉ có 1 thí sinh ở Tây Ninh dự thi vào Trường Sư phạm Hà Nội; 700 hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM.

Tại Thanh Hóa, địa phương có lượng hồ sơ lên đến gần 49.000 bộ, số hồ sơ vào các trường khối sư phạm vẻn vẹn hơn 650 bộ. Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương chỉ có 47 hồ sơ, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên: 21 hồ sơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2: 67 hồ sơ, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): 22 hồ sơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 499 hồ sơ.

Theo con số thông báo của Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái, số hồ sơ đăng ký vào ngành sư phạm giảm tới 50% so với năm trước. Cụ thể: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có 147 hồ sơ nộp vào. Tại Thái Bình, số thí sinh dự thi tại các trường sư phạm rất ít, chỉ 1.115 hồ sơ, giảm 45% so với năm ngoái. Trong đó đông nhất tập trung vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 715 hồ sơ và ĐH Sư phạm Hà Nội 2: 325 hồ sơ.

Tại Vĩnh Phúc, số hồ sơ đăng ký vào ngành sư phạm năm nay cũng giảm mạnh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chỉ có 921 hồ sơ, giảm 60% so với năm trước; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 454 hồ sơ; Trường CĐ Vĩnh Phúc: 1.141 hồ sơ, giảm 40% so với năm 2013. Bà Trần Thị Truyền, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết những trường như ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Hùng Vương, Tây Bắc mấy năm trước nhận được 3-4 bao tải hồ sơ nhưng vài năm nay chỉ có 1.

Đầu ra quá chật vật

Ông Tạ Văn Ánh, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, cho biết hiện mỗi năm, trên địa bàn tỉnh, sinh viên sư phạm ra trường khoảng 1.000 em thì chỉ có khoảng 100 em được làm giáo viên. Từ thực tế đó nên số hồ sơ đăng ý vào 2 trường ĐH sư phạm hàng đầu là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng rất ít, lần lượt là 650 và 550 hồ sơ. Tình trạng này cũng là tình trạng chung của các sở GD-ĐT Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên….

Ông Phan Kim Trinh, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, nhận định hồ sơ dự thi của thí sinh An Giang giảm 1.000 bộ, trong đó khối sư phạm giảm rõ rệt. Nguyên nhân là do thí sinh đã nắm bắt được việc nhân lực sư phạm tại tỉnh quá dư thừa. Ông Trinh cho biết hiện mỗi năm có khoảng 700-800 cử nhân sư phạm ra trường nhưng nhu cầu của tỉnh này chỉ cần 400-500 giáo viên. “Nhiều sinh viên sư phạm ra trường phải thuyên chuyển công tác nên tâm lý thí sinh cũng ngán ngại theo” - ông Trinh nhận định.

Lý giải về sự thất thế của khối sư phạm, ông Nguyễn Văn Long, Phó Phòng Giáo dục thường xuyên - Trung cấp chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho rằng ngành sư phạm và một số ngành xã hội có mức lương vừa thấp vừa khó xin việc. Nhiều cử nhân tốt nghiệp chưa xin được việc đã phải chọn con đường làm trái nghề.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT lớn của Hà Nội cho rằng nguyên nhân thí sinh không chọn thi sư phạm và các ngành xã hội chính là đầu ra của ngành này đang khép quá chặt. Chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm đã không còn sức hấp dẫn như trước. “Thí sinh đã tính đến đầu ra của họ sau 4-5 năm nữa, khi họ ra trường chứ không hẳn là việc miễn học phí trong thời gian học” - hiệu trưởng này nói. 

Tập trung vào trường địa phương

Trong khi các trường sư phạm “mất mùa” thì hồ sơ dồn vào các trường ĐH vùng, ĐH địa phương. Thí sinh ở Hải Phòng ĐKDT nhiều nhất vào Trường ĐH Hàng hải với 6.600 bộ và Trường ĐH Hải Phòng với 6.300 bộ. Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) nhận được gần 1.600 bộ hồ sơ ĐKDT từ thí sinh Phú Thọ. Hơn 30% tổng số hồ sơ ĐKDT của thí sinh tỉnh Sơn La là nộp vào trường ĐH Tây Bắc. Trường ĐH Hồng Đức cũng nhận được tới hơn 4.000 bộ hồ sơ ĐKDT của thí sinh tỉnh Thanh Hóa. Tại tỉnh Lào Cai, thí sinh nộp hồ sơ nhiều nhất vào Trường ĐH Tây Bắc với 5.000 hồ sơ. Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết thí sinh nộp hồ sơ nhiều nhất vào Trường ĐH Y Hải Dương với hơn 3.000 hồ sơ. Tại tỉnh Đắk Lắk, thí sinh tập trung đông nhất vào Trường ĐH Tây Nguyên với 12.168 bộ…

Yến Anh - Gia Thùy
Nguồn: nld.com.vn 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang