Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh đại học 2020: Nỗi lo bão hòa

13/02/2020

Mùa tuyển sinh 2020 đa số các trường đại học (ĐH) sẽ đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, mở thêm nhiều ngành học mới. Cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đang được mở ra, nhưng kèm với đó là băn khoăn: Phương thức tuyển sinh mới có lấn át phương thức truyền thống hay không? Những ngành học mới có làm bão hòa thị trường lao động hay không?

Điểm thi THPT quốc gia vẫn là “kênh” quan trọng 

Đơn cử như Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) áp dụng 6 phương thức xét tuyển gồm:  Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2020; Xét tuyển học sinh giỏi của các trường THPT (theo quy định của ĐHQG TP HCM); Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2020 của Bộ GDĐT; Thi tuyển - kỳ kiểm tra năng lực của Trường ĐH Quốc tế; Xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM…

Việc đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh giúp các trường tận dụng tối đa nguồn tuyển, có cơ hội lựa chọn thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của mình, từng bước đổi mới tuyển sinh phù hợp với tự chủ ĐH. Mặt khác, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh cũng đồng thời tạo thuận lợi cho thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển. Dẫu thế trước sự đa dạng các phương thức tuyển sinh, nhiều thí sinh có chung câu hỏi các phương thức này có giá trị xét tuyển ngang nhau hay không?

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, mỗi phương thức hướng đến một đối tượng. Trong đó, tác động đến diện rộng, với số đông thí sinh gồm 2 phương thức: Dùng kết quả điểm thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ THPT. Trong đó, phương thức dùng kết quả điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển vẫn được sử dụng rộng rãi hơn cả. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa- nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia vẫn là phương thức quan trọng nhất, bởi vì hầu hết các trường ĐH đều sử dụng. Hơn nữa, số lượng thí sinh tham gia đăng ký đông, hằng năm lên đến 700.000 thí sinh, chiếm khoảng gần 80% số lượng thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh nên đăng ký sớm, tránh trường hợp nước đến chân mới nhảy. Bởi số lượng chỉ tiêu có hạn, nếu đủ số lượng đạt tiêu chí trúng tuyển, thí sinh nộp sau sẽ không còn cơ hội.

Để tăng cơ hội trúng tuyển trong việc chọn phương thức tuyển sinh, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường, hiểu được mình thuộc đối tượng nào trong mỗi phương thức để nộp hồ sơ xét tuyển cho chuẩn. Thực tế cho thấy ngay với việc xét tuyển học bạ, có trường không phân biệt thí sinh chuyên hay không chuyên, nhưng cũng có trường chỉ chọn thí sinh học chuyên…

Nhiều ngành học mới

Mùa tuyển sinh 2020, nhiều trường mở thêm mã ngành, chương trình mới cũng là để bắt kịp với xu thế phát triển. Điều này xuất phát từ cơ chế mở rộng quyền tự chủ của Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), với quy định các trường được tự chủ trong việc mở ngành.

ĐHQG Hà Nội mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có một số ngành đào tạo thí điểm như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật Điện tử và Tin học; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường… Còn Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở thêm một số chương trình và ngành mới, trong đó có 3 chương trình mới đào tạo bằng tiếng Anh và 3 ngành mới được phát triển lên từ các chuyên ngành trước đây. Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển sinh mới 5 ngành gồm: Marketing -Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở ra ngành mới là tất yếu khi các trường được tự chủ. Nhất là nhóm ngành về công nghệ cũng phù hợp với nhu cầu nhân lực hiện nay khi đất nước ngày càng hội nhập và hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là sự chủ động đón đầu cho sự phát triển của kinh tế và công nghệ của các trường ĐH. Việc này cũng giúp các trường dễ thu hút người học, tuyển sinh tốt hơn. Tuy nhiên mở ngành là một chuyện, tên ngành có thể hay nhưng quan trọng là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và việc đảm bảo được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường sẽ thế nào. Một vài ngành “hot” được mở ồ ạt cũng dẫn đến những lo ngại về sự bão hòa của thị trường nhân lực trong tương lai. Do đó bản thân các trường ĐH mở ngành cũng nên tham khảo ý kiến từ doanh nghiệp, tăng cường tuyên truyền, thông tin, kết nối trong tuyển sinh, đào tạo; tăng cường công tác quản lý, rà soát những ngành nghề nào trùng lắp về tên, những ngành nghề đã cũ và không còn phù hợp để cơ cấu lại, giúp người học dễ hiểu và định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn.         

Linh Nga
daidoanket.vn – 12/02/2020

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]