Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh đại học 2019: Thêm nhiều ngành mới

26/12/2018

Bên cạnh những ngành truyền thống, mùa tuyển sinh năm 2019, nhiều Trường đại học (ĐH) cho biết, sẽ mở mã ngành mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. 

Ngành mới, kỳ vọng mới

Lần đầu tiên trong các trường ĐH tại Việt Nam xuất hiện ngành Kinh doanh số do Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến mở phục vụ tuyển sinh năm 2019. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dự kiến một số ngành mới mở khác là ngành Quản trị điều hành thông minh, Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh. Như vậy, ngoài 37 mã ngành tuyển sinh như năm 2018, năm nay trường có thể tăng thêm một số ngành mới.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết ngành Kinh doanh số được mở ra xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, theo xu hướng đào tạo liên ngành, bắt nhịp phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được xem là khoa học liên ngành công nghệ thông tin - kinh doanh và phân tích dữ liệu. Dự kiến ngành này sẽ được dạy- học bằng tiếng Anh.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng dự kiến mở ngành mới “ngành không ngành” và “ngành xuyên ngành” đào tạo kỹ sư 4.0. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, “ngành xuyên ngành” Robot tiên tiến sẽ tuyển 20 chỉ tiêu, học hoàn toàn bằng tiếng Anh, miễn 100% học phí. Ngành này có sự phối hợp của 3 khoa đào tạo: cơ khí, điện điện tử và công nghệ thông tin, tạo bước đột phá trong tư duy về ngành nghề ở bậc ĐH, phù hợp với xu thế đa ngành, xuyên ngành trong kỷ nguyên số.

Điều kiện xét tuyển ngành học này là thí sinh có điểm thi THPT quốc gia năm 2019 đạt từ 24 điểm trở lên, ưu tiên học sinh các trường chuyên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ mở “ngành không ngành” xét tuyển các thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên (khối A, A1). Thí sinh trúng tuyển vào một ngành nào đó, sau khi nhập học có thể đăng ký vào nhóm “không ngành” hay nói cách khác là chọn ngành sau.

Năm 2019, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM tuyển thêm 2 ngành mới là quản lý đất đai và bảo hộ lao động. Trường cũng dự kiến bổ sung thêm phương thức xét tuyển học bạ từ 10-30% chỉ tiêu bên cạnh chỉ tiêu tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GDĐT, xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia 70-90% chỉ tiêu.

Trường ĐH Luật TP HCM thông tin về phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Phương thức này gồm 2 bước với 3 tiêu chí: xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực. Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển từng ngành và từng tổ hợp. Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào ĐH Luật TP HCM ngoài điều kiện bắt buộc là tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, phải trải qua kỳ thi kiểm tra năng lực do trường này tổ chức.

Lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông tin, trường đang xây dựng đề án tuyển sinh mới. Trong đó, sẽ áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Đây là lộ trình trường chuẩn bị trước để không bị động nếu Bộ GDĐT không còn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh

Một điểm mới khá rõ trong mùa tuyển sinh 2019 là nhiều trường dành ưu tiên cho các thí sinh đạt yêu cầu về tiếng Anh tùy theo các cấp độ. Đặc biệt là các chương trình học tiên tiến, chất lượng cao đều yêu cầu trình độ tiếng Anh từ lúc thi đầu vào.

Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế TP HCM, năm 2019 nhà trường dự kiến vẫn tuyển sinh theo phương thức cũ là xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời bổ sung tiêu chí mới là yêu cầu thí sinh có nguyện vọng nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường phải có điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên. Điểm chuẩn để xét tuyển sẽ là điểm 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển và điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12. 

Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho biết, trong thời gian tới, trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, áp dụng phương pháp giảng dạy mới theo hướng sáng tạo dựa trên công nghệ, tăng cường tiếng Anh. Do đó, yêu cầu về năng lực tiếng Anh đối với sinh viên là điều kiện rất quan trọng nên nhà trường chuyển thành tiêu chí bắt buộc. 

Từ năm 2019, Bộ GDĐT sẽ quy định thêm điểm “sàn” với khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Đại diện ĐH Quốc gia TP HCM cho biết, với những ngành đặc thù như Y đa khoa, Kiến trúc, trường sẽ nghiên cứu sử dụng các phương thức tuyển sinh linh hoạt để chọn những thí sinh giỏi. Đặc biệt, Khoa Y cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, khoa sẽ dành khoảng 5% - 10% chỉ tiêu các ngành để xét bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức (năm 2018 khoa này không xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực). Khoa Y cũng sẽ thực hiện sàng lọc thí sinh trúng tuyển vào ngành Y đa khoa thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp để tìm ra những thí sinh có động cơ và tố chất phù hợp với ngành này. 

Trường cũng dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển trực tiếp thí sinh từ các chứng chỉ quốc tế dành cho các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các chứng chỉ được xét như kết quả thi tú tài quốc tế và một số kết quả tuyển sinh chung của thế giới.

Riêng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đang xây dựng kế hoạch áp dụng kỳ thi SAT của Mỹ để tuyển sinh ĐH.  

Tiếng Anh hiện là ngoại ngữ bắt buộc của đa số các chương trình học ĐH, CĐ trong nước. Vì vậy, việc trau dồi năng lực ngoại ngữ với học sinh ngay từ khi học phổ thông là cần thiết để có thêm những cơ hội học tập tại cách trường ĐH lớn trong và ngoài nước.     

Lam Nhi
daidoanket.vn – 26/12/2018

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang