Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Các trường tất bật xây dựng đề án tuyển sinh

19/12/2018

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH) sẽ giữ ổn định đến năm 2020. Sau đó sẽ có thay đổi và các trường ĐH sẽ tự chủ các phương án tuyển sinh. Điều này đã làm cho các trường hiện nay tập trung xây dựng các phương án tuyển sinh. 

Huy động nhân lực, tài chính cho đề án tuyển sinh

Nhiều trường ĐH đang dốc sức huy động nhân lực, tài chính cho việc xây dựng đề án tuyển sinh ĐH để triển khai từ năm 2020.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, dự kiến từ năm 2020, trường sẽ tuyển sinh bằng cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp UEH-GAT (UEH - General Ability Test). Kỳ thi sẽ kiểm tra 3 khối kiến thức gồm Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Tiếng Anh.

Các bài thi sẽ có các mức độ và tỷ lệ phân hóa để đánh giá, tuyển chọn người học phù hợp với đặc thù đào tạo của trường. Trường dự kiến sẽ tổ chức thi nhiều đợt trong năm để tạo cơ hội cho thí sinh, đồng thời tổ chức tại nhiều địa phương để tạo thuận lợi cho thí sinh. Thậm chí, trước khi tốt nghiệp THPT, học sinh vẫn được quyền đăng ký tham gia kỳ thi này.

Để có kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia TPHCM đã có sự chuẩn bị rất dài hơi và từ năm 2016-2018 đã chi gần 10 tỷ đồng cho kỳ thi này. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Để có được kỳ thi đánh giá năng lực như hiện nay thì từ năm 2003 chúng tôi cùng ĐH Quốc gia Hà Nội đã qua Mỹ học hỏi và tham khảo kỳ thi SAT của họ. Sau đó, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện trước nhưng nay đã không tổ chức nữa.

Riêng ĐH Quốc gia TPHCM hiện nay đã xây dựng ngân hàng đề thi (huy động cả giáo viên THPT và giảng viên ĐH để ra đề) với hàng ngàn câu hỏi. Tất nhiên là mỗi câu hỏi kèm đáp án đều được trả tiền cho người ra đề (khoảng 80.000 đồng/câu hỏi và đáp án). Trước khi sử dụng, các câu hỏi phải được test thử tại các trường như THPT Bùi Thị Xuân, THPT Gia Định, THPT Nguyễn Hữu Huân… Sau nhiều lần test thử, những câu hỏi có độ tin cậy cao thì chúng tôi mới đưa vào ngân hàng đề thi. Sau khi thi, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung hoặc loại những câu hỏi chưa chuẩn ra khỏi ngân hàng đề thi”. 

Lý giải về việc xây dựng kỳ thi đánh giá năng lực, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng: “Trước hết, ĐH Quốc gia muốn có sự chủ động và ổn định trong khâu tuyển sinh. Đồng thời, ĐH Quốc gia là ĐH đa ngành, có những ngành rất đặc thù, nên cần có một kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển chọn người học cho phù hợp. Không có một phương án tuyển sinh nào là tối ưu, nhưng trong bối cảnh hiện nay ĐH Quốc gia TPHCM phải thực hiện để việc tuyển sinh ĐH trở nên đơn giản và có tính ổn định”.   

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng đang xây dựng kế hoạch áp dụng kỳ thi SAT của Mỹ để tuyển sinh ĐH. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang hoàn tất đề án về tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để công bố trong năm nay. Hàng chục trường khác tại TPHCM cũng liên hệ với ĐH Quốc gia TPHCM để sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực bổ sung vào đề án tuyển sinh. 

Phải có sự cam kết rõ ràng từ Bộ GD-ĐT  

Ngày 17-12, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp rà soát lại công tác tuyển sinh cũng như nghe các trường có phương án tuyển sinh riêng báo cáo. Tuy nhiên, điều mà các trường mong muốn nhất vẫn chưa được giải đáp đó là sự cam kết về tính ổn định của kỳ thi THPT sau 2020 sẽ như thế nào. Rất nhiều trường đã đặt câu hỏi: Sau năm 2020 bộ có tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT hay không. Nếu vẫn tiếp tục thì mục tiêu là gì, đề thi như thế nào để đánh giá thí sinh? 

Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần làm là xây dựng ngân hàng đề thi đủ tin cậy để các trường cần thì “mua”, chứ các trường tổ chức thi, ra đề thi rất phức tạp (rất ít trường đủ năng lực để làm đề thi). Ngoài ra, nếu kỳ thi THPT đánh giá đúng năng lực, cho kết quả đáng tin cậy thì các trường hoàn toàn sử dụng kết quả để tuyển sinh. Do đó, chỉ có những trường đào tạo những ngành đặc thù thì nên có thêm phương án tuyển sinh riêng để tuyển chọn người cho phù hợp.

“Nếu trường nào cũng tổ chức kỳ thi riêng thì không chỉ gây tốn kém, mà vấn đề là thí sinh sẽ mệt mỏi vì thi cử. Nếu làm không tốt thì nguy cơ luyện thi sẽ lập lại. Do đó, chắc chắn nhiều trường sẽ liên kết sử dụng kết quả của nhau. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn thành lập các trung tâm khảo thí độc lập để lo việc thi cử. Nếu các trung tâm này tổ chức thi tốt thì các trường hoàn toàn có thể sử dụng kết quả để xét tuyển”, Th.S Hứa Minh Tuấn phân tích.  

Còn theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, ĐH có hàng ngàn ngành đào tạo song có phân chia nhóm ngành một cách tương đối và mỗi nhóm ngành có thể yêu cầu năng lực đầu vào khác nhau để đảm bảo thí sinh phù hợp với ngành học, chắc chắn thành công với ngành đó. Nhưng hiện nay, các trường hoặc ngay cả Bộ GD-ĐT thiết kế các môn thi lại chưa có đánh giá một cách khoa học để lựa chọn các môn thi tương thích với yêu cầu của ngành học. Nhìn thực tế hơn, vấn đề tài chính cho giáo dục ĐH cũng có thể ảnh hưởng đến cách thức, nội dung thi khi các trường tự thiết kế cho riêng mình.

Bộ GD-ĐT nên có trung tâm khảo thí ngoài cơ quan hành chính của bộ để sản xuất đề cho các sở GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp và đa dạng hóa đề cho các trường lựa chọn. Điều này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn và tiết kiệm chi phí cho các trường trong khâu thi tuyển. Đây là tổ chức thuộc dịch vụ công. Nhà nước nên hỗ trợ ban đầu đào tạo chuyên gia, sau đó sẽ trang trải chi phí qua cung cấp dịch vụ. Sau này khuyến khích các tổ chức khác thành lập trung tâm nhưng trong vòng kiểm soát về tiêu chuẩn, phạm vi, năng lực... để đảm bảo không đua nhau thành lập.

THANH HÙNG
saigondautu.com.vn – 19/12/2018

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]