Tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực
25/08/2014
Bài thi đánh giá năng lực, thực chất là gì? Mời bạn đọc theo dõi bài phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội.
Ngày 10-9, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) sẽ chính thức tổ chức kỳ thi riêng để tuyển chọn sinh viên các lớp tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế thông qua bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL).
Hiện đã có ý kiến đề xuất Bộ GD-ĐT nên tận dụng kinh nghiệm, sự chuẩn bị về phương thức thi này để áp dụng vào kỳ thi quốc gia 2015. Điều này liệu có khả thi và bài thi ĐGNL thực chất là gì? Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho biết:
- Phương án tuyển sinh riêng mà ĐHQG Hà Nội lựa chọn về cơ bản theo hình thức tương tự của Hoa Kỳ, có cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với các điều kiện cụ thể của VN. Theo đó, thí sinh phải làm bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung và bài thi ĐGNL chuyên biệt (tương tự bài thi SAT1 và SAT2 của Hoa Kỳ).
Có thể hình dung đề thi chuẩn hóa ĐGNL chung (tương tự SAT1) là đề thi trắc nghiệm. Bài thi có cấu trúc đầy đủ bốn hợp phần (gồm toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) với tổng cộng 180 câu trắc nghiệm khách quan được phân theo mức độ 20% dễ, 60% trung bình, 20% khó. Còn bài thi ĐGNL chuyên biệt (tương tự SAT2) sẽ giúp ĐGNL và kiến thức để tuyển chọn thí sinh vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc ĐH.
"Xu thế chung của thế giới và sẽ không thể ngoại lệ với VN là việc tổ chức thi nên giao cho những tổ chức, trung tâm lớn, có năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và kinh nghiệm thực hiện để công tác thi tuyển có chất lượng, bảo đảm độ tin cậy cao"
GS.TSKH NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC
|
* Việc áp dụng cho kỳ tuyển sinh vào các chương trình đào tạo ĐH đặc biệt ngay năm 2014 ở ĐHQG Hà Nội liệu có phải cân nhắc, điều chỉnh gì so với “công thức chung” khi đây là năm đầu tiên áp dụng, trường cũng “chạy” chương trình lần đầu và thí sinh cũng chưa từng có cơ hội tiếp xúc những bài thi dạng này ở phổ thông, thưa GS?
- Năm 2014, ĐHQG Hà Nội áp dụng bài thi này để tuyển các em đã trúng tuyển kỳ thi ba chung vào học các chương trình chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, nên đề thi ĐGNL chung được thiết kế giản dị hơn gồm ba hợp phần: 50 câu hỏi về kiến thức toán học, 50 câu hỏi về kiến thức ngữ văn (với cơ cấu 10% trong chương trình lớp 10, 20% trong chương trình lớp 11 và 70% trong chương trình lớp 12) cùng 40 câu hỏi ở phần tự chọn để thí sinh chọn lựa hợp phần bao gồm 40 câu kiến thức vật lý, hóa học, sinh học, hoặc 40 câu kiến thức lịch sử, địa lý, giáo dục công dân (với cơ cấu kiến thức 30% lớp 11 và 70% lớp 12).
Đề thi ĐGNL năm 2014 có tổng số 140 câu hỏi (mỗi câu hỏi trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm), thời gian làm bài là 195 phút.
Khi phương thức này được thực hiện trong tuyển sinh đại trà, để vào ĐHQG Hà Nội, ngoài bài thi ĐGNL chung, các em còn phải thực hiện bài thi ĐGNL chuyên biệt (tương tự SAT2 của Hoa Kỳ) để được tuyển chọn vào học các ngành nghề cụ thể. Ví dụ thí sinh chọn khối các ngành khoa học tự nhiên - công nghệ như toán học, cơ học, công nghệ thông tin... có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là toán học, thí sinh chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là hóa học, hay thí sinh lựa chọn các ngành khoa học xã hội và nhân văn có thể chọn môn thi là văn học...
Các ứng viên chỉ thi một bài thi ĐGNL chuyên biệt theo quy định. Với các em đăng ký học hệ đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến hay chuẩn quốc tế, ngoài điểm làm bài thi chuẩn hóa ĐGNL chung và bài thi ĐGNL chuyên biệt với điểm số cao, còn được đánh giá thông qua hồ sơ và các thành tích khác. Ví dụ như hệ tài năng yêu cầu học lực ba năm THPT phải đạt loại giỏi, hoặc có thành tích trong các đội tuyển học sinh giỏi của các tỉnh, quốc gia, quốc tế...
* Đã có ý kiến đề xuất ĐHQG Hà Nội nên chia sẻ để áp dụng phương án thi này rộng rãi hơn ngoài phạm vi nhà trường. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các trường đều đang được giao quyền tự chủ tuyển sinh nên không cần thiết phụ thuộc vào phương án thi của một trường khác...
- Đừng hiểu đơn giản tự chủ về tuyển sinh có nghĩa là mỗi trường có một bài thi tuyển sinh riêng biệt cho mình. Hãy tưởng tượng khi bỏ kỳ thi ba chung, một em dự định thi vào ba trường sẽ không thể cùng lúc ôn thi với ba bài thi có các định hướng khác nhau. Một trong những thành công của kỳ thi ba chung là định hướng được công tác tuyển sinh và định hướng được sự chuẩn bị của thí sinh.
Trên cơ sở kết quả bài thi ĐGNL chuẩn hóa của ĐHQG Hà Nội, các trường khác nhau có thể chọn những mức điểm chuẩn khác nhau để tuyển sinh, chọn thí sinh trúng tuyển vào các ngành nghề khác nhau của trường mình, như vậy vừa an tâm về chất lượng đầu vào, vừa đỡ tốn kém cho cả các gia đình, cơ sở đào tạo và xã hội.
Phương thức tuyển sinh này cùng với việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ, tất yếu sẽ là tiền đề cho việc tuyển sinh và triệu tập nhập học vào ĐH hai lần trong năm như ở các nước tiên tiến. Điều này sẽ giảm bớt áp lực của xã hội lên một kỳ thi tuyển sinh ĐH như hiện nay, đồng thời sẽ làm thay đổi căn bản hoạt động tuyển sinh ĐH của VN. Chưa kể từ việc tổ chức thi và chấm thi trên máy, có thể tiến tới thi online, dễ dàng áp dụng trên toàn quốc, thậm chí cho cả người VN ở nước ngoài và cho cả những thí sinh nước ngoài muốn học đại học và sau đại học tại VN.
Chuẩn bị từ năm 2004
Được triển khai nghiên cứu từ năm 2004 từ đề tài cấp nhà nước, đến nay ĐHQG Hà Nội đã xây dựng được 4.000 câu hỏi nguồn, đào tạo được khoảng 50 cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt chuyên viết câu hỏi cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực. Việc thi và chấm thi được thực hiện trực tiếp trên máy tính, bảo đảm tính khách quan, chính xác, công bằng. Phần mềm chấm thi và làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính cũng do các chuyên gia của ĐHQG Hà Nội xây dựng. Ngoài ra, phương án đổi mới thi của ĐHQG Hà Nội có sự tham gia và hỗ trợ của các chuyên gia phát triển đề thi đánh giá năng lực quốc tế (đến từ Educational Testing Service - ETS, Hoa Kỳ) cũng như cố vấn về chính sách tuyển sinh của Hoa Kỳ.
|
NGỌC HÀ thực hiện
Nguồn: tuoitre.vn