Kỳ thi quốc gia chung: Trường đại học “đau đầu” khâu tổ chức thi
22/08/2014
Theo dự kiến của Bộ GDĐT, thời điểm chốt phương án (PA) kỳ thi quốc gia chung là trước khai giảng năm học mới 2014 – 2015. Còn chưa đầy nửa tháng nữa, việc lựa chọn PA vẫn đang chưa... ngã ngũ. Trái với sự lựa chọn của các sở GDĐT (lựa chọn môn thi), thì phần lớn nhiều trường ĐH nghiêng về PA thi theo bài. Tuy nhiên, trường nào cũng khá "đau đầu" với khâu tổ chức thi.
Thi theo bài được ủng hộ
Qua tham khảo ý kiến, nhiều hiệu trưởng các ĐH “tốp” đầu cho rằng, tán thành với PA2 của kỳ thi chung – thi theo bài thi. Tuy nhiên, việc lựa chọn PA không gây "đau đầu" các trường bằng việc tổ chức thi như thế nào để đảm bảo kết quả thi đáng tin cậy, làm cơ sở tuyển lựa đầu vào.
Với yêu cầu khá “khắt khe” về chất lượng đầu vào, ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội - cho biết: “Với trường khối y - dược, những năm gần đây, tuyển sinh đầu vào rất nóng. Do vậy sắp tới, hội đồng hiệu trưởng khối các trường y sẽ đề xuất có thêm một kỳ thi bổ sung để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Chúng tôi mong muốn Bộ GDĐT hỗ trợ cho các trường, đặc biệt là làm ngân hàng đề thi”. Giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui cho rằng, PA2 phù hợp để các trường có thể kết hợp xét tuyển. Tuy nhiên, khâu tổ chức thi cần có đội ngũ chuyên gia xây dựng quy chế và cách thức làm.
“Cấu trúc đề thi rất quan trọng, cần có phần kiểm tra kiến thức để xét tốt nghiệp phổ thông - làm như năm 2014 là rất tốt. Thiết kế đề thi đạt độ phân hóa để các trường ĐH xét chọn. Ta cần tin tưởng, có thể đưa các trường ĐH, giảng viên ĐH vào tham gia vào công tác coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra” – ông Vui nói.
Ở khía cạnh khác, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho rằng, để tổ chức một kỳ thi quốc gia “hai vai”, khâu quan trọng nhất là ra đề, coi thi và chấm thi. Ông đề xuất, tối ưu là Bộ GDĐT ra đề thi, việc coi thi giao cho 1 giáo viên ĐH và 1 giáo viên THPT để đảm bảo khách quan.
Việc thanh tra thi vẫn do Bộ GDĐT đảm nhận, còn chấm thi sẽ huy động cả giáo viên THPT tham gia. Trước băn khoăn của các trường, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận “trấn an”, hiện Bộ GDĐT đã thành lập các tổ, nhóm, ráo riết tổng hợp ý kiến rộng rãi về 3 PA thi, từ đó xử lý thông tin một cách đầy đủ. Ngoài lấy ý kiến các hiệu trưởng, bộ sẽ trao đổi, báo cáo lên Ủy ban Phát triển nguồn nhân lực sắp tới.
Có cách để đảm bảo độ tin cậy
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga sau khi lắng nghe các băn khoăn trên, đã khẳng định chắc chắn, sẽ có giải pháp để đảm bảo độ tin cậy của kỳ thi. Bởi vì, theo ông Ga, nếu kết quả này không tin cậy, các trường sẽ tổ chức thêm một kỳ thi riêng, từ đó sẽ gây phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều. Vì vậy, đề án một kỳ thi quốc gia, bộ cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo độ tin cậy cao như tổ chức các điểm thi thành các cụm ở từng tỉnh, chấm điểm chung các cụm liên tỉnh, các vùng; cán bộ tham gia kỳ thi gồm sở, trường, ĐH, CĐ, tổ chức thanh tra giám sát kỳ thi.
“Tôi cũng lưu ý thêm là việc sử dụng kết quả kỳ thi không phải là cách duy nhất để các trường ĐH tuyển lựa đầu vào. Với việc tự chủ tuyển sinh, các trường sử dụng kết quả làm dữ liệu, còn những trường có đề án tuyển sinh riêng có thể bổ sung các hình thức xét tuyển khác phù hợp hơn như phỏng vấn, trắc nghiệm... Thậm chí, nếu thấy cần thiết, yêu cầu tuyển sinh cao hơn thì có thể tổ chức một kỳ thi riêng vào trường mình. Như vậy rất đa dạng, tùy theo yêu cầu của các trường, các ngành nghề của các trường” – ông Ga nhấn mạnh.
Chưa đầy nửa tháng nữa, Bộ GDĐT sẽ phải chốt PA thi, ngay trước thềm năm học mới để các trường kịp thời triển khai công việc. Trước mắt, theo Bộ GDĐT, dù thi theo môn hay theo bài thì cách học và dạy ở phổ thông chưa biến động nhiều. Chương trình học sẽ chưa yêu cầu học sinh phải có kiến thức tích hợp. Học sinh theo đó không quá lo lắng, tiếp tục học tập bình thường.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga một lần nữa khẳng định: “Việc thay đổi của một kỳ thi quốc gia là rất có lợi cho thí sinh: Một kỳ thi có thể xét tuyển được nhiều trường. Trong khi đó, trước đây, muốn làm được việc đó, thí sinh phải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và một trong 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thứ hai, thi xong rồi, có kết quả các em mới đăng ký xét tuyển. Do đó, cách làm mới tránh hoàn toàn rủi ro của quy định “3 chung” trước đây”.
Dương Hà (laodong.com.vn)