Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Rất cần một kỳ thi tuyển “đầu vào” của riêng các trường

23/08/2014

Thời gian qua , dư luận XH đặc biệt quan tâm tới việc Bộ GD đưa ra đề xuất giảm nhẹ áp lực trong thi cử với 3 phương án cho một kỳ thi Quốc gia với kết quả đồng thời đánh giá tốt nghiệp, và xét tuyển vào các trường Đại học. Còn rất nhiều những ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên thực hiện ngay trong năm 2015 hay phải có một lộ trình dài hơn? Ghi nhận của PV báo CAND phía Nam cho thấy, rõ ràng cần một xem xét kỹ càng hơn từ phía Bộ GD-ĐT.

PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, ở nước ngoài, HS chỉ cần chứng nhận tốt nghiệp THPT sau đó có quyết định thi tiếp lên ĐH hay không, như vậy đã tiết kiệm được một phần rất lớn kinh phí cho tổ chức thi cử. Đồng thời với HS nước ngoài như vậy đã được phân luồng rất tốt, sau đó họ sẽ có thể vẫn thành công trong sự nghiệp từ việc làm thợ, làm nghề, chứ không như ở Việt Nam, mọi người đều đổ sô vào thi ĐH. Nếu tất cả HS Việt nam đều muốn vào học ĐH bằng cách lấy điểm tốt nghiệp xét tuyển thì kỳ thi tốt nghiệp chắc chắn phải tổ chức khác hoàn toàn, không thể vẫn thực hiện như lâu nay. Cần làm cho cả XH và nhà quản lý các trường ĐH tin tưởng vào kết quả kỳ thi này. Vì không thể dựa vào tỉ lệ 99% đậu tốt nghiệp làm kết quả cho xét tuyển ĐH. Kết quả thi này không mang tính sàng lọc đối với các trường ĐH. Nếu cần phải giữ lại một kỳ thi thì cái cần giữ là kỳ thi ĐH chứ không phải là kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên nếu XH đã thấy quá mệt mỏi với nhiều kỳ thi trong thời gian quá ngắn thì sẽ nên tính tới việc chuyển đổi một chút trong kỳ thi PTTH. Đối với những người có nhu cầu vào ĐH,  các em phải đăng ký thi ĐH ngay từ năm lớp 12 và đăng ký nguyện vọng muốn lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường ĐH. Và đương nhiên kỳ thi này phải được tổ chức theo một cách khác. Tối thiểu phải là có sự giám sát chéo từ các trường ĐH...Nhưng làm như thế nào thực hiện kỳ thi tốt nghiệp chuyển đổi này thì thực sự Hiệu trưởng, các nhà quản lý các trường ĐH đều cảm thấy băn khoăn, bối rối.

Còn nếu như các trường không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp theo một cách khác thì chắc chắn các trường ĐH cũng sẽ tổ chức một kỳ thi riêng của trường. Vì như tại Pháp và Đức học Luật người ta có phiếu ghi tên các em vào học với điều kiện là chỉ có 1000 người đăng ký và người ta sẽ sát hạch, sàng lọc chỉ lấy 20%. Tại Việt nam ta thì chỉ tính riêng trường ĐH Luật TPHCM  đã có tới 13.500 thí sinh đăng ký thi mỗi năm. Không thể đủ CSVC, nhân sự, giáo viên để đáp ứng cho tất cả từng này người vào học được. Nên chắc chắn là các trường ĐH sẽ phải tổ chức riêng một kỳ thi con nữa để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Các phương án cho một kỳ thi Quốc gia có “tham vọng” đưa 2 kỳ làm một. Để nhà quản lý GD xác nhận là có thi tốt nghiệp THPT. Nhưng thi vào ĐH mà dồn cả 2 đợt  thi vào làm một là rất khó có thể đạt được mục đích. Vì thực ra các thí sinh đâu có thi một khối? Thi tích hợp các môn cũng được nhưng thí sinh sẽ thi rất nhiều môn. Kỳ thi cũ đã rất nặng nề vậy thi tích hợp trong phương án 2 thì Thí sinh có thi nổi không? còn nặng nề hơn. Tôi cũng cảm thấy rất băn khoăn nữa là căn cứ vào Luật Giáo dục cho phép các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Căn cứ vào Luật GD, phương án tuyển sinh là của các trường. Do đó nếu Bộ đưa ra phương án chỉ là các phương án mang tính chất cho một kỳ thi QG, còn các trường sử dụng phương án đó, hay nói cách khác là sử dụng các kết quả đó ra sao là quyền tự chủ của các trường. Việc Bộ GD đưa ra các phương án 1,2,3 rồi nói rằng, phải lấy những cái phương án đó để xét tuyển thí sinh trúng tuyển vào trường là không đúng.

Hiện, việc chọn phương án thi nào hiện GV trong trường ĐH Luật cũng cực kỳ phân vân. Chúng tôi rất muốn lấy kết quả điểm PTTH để căn cứ xét tuyển vào trường nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy, có nguy cơ rất cao là không chọn được những thí sinh thực sự có năng lực. Tức là đầu vào không được đảm bảo. Nếu được Bộ cho phép, ĐH Luật có thể xin được tuyển gấp 4 lần chỉ tiêu cho phép, từ đó sàng lọc lấy ra những thí sinh thực sự đạt yêu cầu. Đó là một phương án tối ưu trong tuyển chọn người vào học ngành Luật.  Với câu hỏi là nên theo phương án nào thì tôi chỉ kết luận được rằng, nên giữ lại kỳ thi ĐH. Còn muốn có một cơ chế sàng lọc cao hơn nữa cho các trường ĐH thì sẽ cho các thí sinh tự đăng ký xét tuyển.

Cũng theo PGS TS Mai Hồng Quỳ, nếu không tổ chức thi tốt nghiệp thì HS không học. Giá trị của 2 kỳ thi phải thực sự khác nhau. Một cái là để minh chứng, một “con dấu” chất lượng cho 12 năm học của một HS để đạt yêu cầu về một khối lượng kiến thức tối thiểu. Và một gía trị nữa là qua tuyển dụng những người có năng lực thực sự để học ĐH. Hình thức thi theo phương án nào đi chăng nữa thì nếu thi tốt nghiệp THPT không làm trường ĐH yên tâm thì nhà trường vẫn tổ chức có thêm kỳ thi “phụ” nhưng phương án có thể cởi mở hơn. Vì kỳ thi hiện nay được coi là nghiêm túc như vậy mà mỗi năm tại ĐH Luật cũng còn từ 20-30% là điểm liệt. Việc nghiên cứu thực hiện thế nào phải thấu đáo nếu không quyền lợi của hàng chục ngàn HS mỗi năm có ý định thi vào học Luật sẽ bị ảnh hưởng.

Theo PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng trường ĐH công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, tôi tán thành một kỳ thi Quốc gia, và HS nên “học gì thi nấy”. Thứ 2 là thực hiện quyền tuyển sinh theo quyền tự chủ của các trường ĐH. Tôi chọn phương án 2. Sau đó là xét tuyển cho các trường có hình thức tuyển sinh riêng. Nếu tùy từng trường theo yêu cầu, thí sinh sau khi đăng ký vào, phải bổ sung thi thêm môn nào là quyền của các trường. Cách quan trọng là ra đề thi như nào, đảm bảo chất lượng thi cử. Cái mọi người lo nhất là phương thức tổ chức thi tốt nghiệp là không đủ độ tin cậy. Nếu học gì thi nấy thì không có gì đặc biệt, còn việc gộp thành 1 kỳ thi QG mà không đủ độ tin cậy thì ai cũng lo.

Cũng theo PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Bộ GD-ĐT hiện cũng có ý phương pháp tổ chức thi sao cho an toàn, chặt chẽ, đang thảo luận về vấn đề này. Theo ông Ngoạn, tổ chức khéo vẫn làm được trong năm 2015. Nhưng chớ “khoán trắng” cho các trường. Phải có giám sát .”Theo tôi, nếu thi nghiêm túc thì không thể chỉ có 1% là rớt tốt nghiệp như hàng năm mà phải là vài chục phần trăm và phương thức thi hiện nay do các Sở GD quản lý là không đủ độ tin cậy. Việc thi cũng không thể đưa về địa phương vì bệnh thành tích và rất nhiều chuyện khác không đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

Cũng theo thầy Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính Marketting, cũng ủng hộ cho một kỳ thi QG, đồng ý cho phương án 2. Phương án 1 khiến HS phải thi quá nhiều. Để khách quan cho một kỳ thi QG, các trường trước sau gì cũng phải tổ chức thi vậy Bộ GD phải đứng ra cho kỳ thi này và phải phối hợp với Sở GD các địa phương, bởi vì nếu chỉ có trường phổ thông không thì sợ mang bệnh thành tích . Thêm sự tham gia giám sát của các trường ĐH nữa là mới bảo đảm

Huyền Nga (cand.com.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang