Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016: Chưa yên tâm với xét tuyển trực tuyến

28/02/2016

Trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, năm nay, thí sinh sau khi thi THPT quốc gia xong sẽ nộp phiếu ĐKXT qua mạng hoặc đường bưu điện thay vì phải đến trường nộp.

Năm 2015, những ngày cuối của đợt xét tuyển NV1, tình trạng thí sinh và người nhà đến trường rút, nộp hồ sơ đã tạo ra sự căng thẳng tại nhiều trường ĐH, gây sự vất vả đối với thí sinh và người nhà cũng như vẫn duy trì sự tốn kém về kinh tế khi phải chờ đợi tại TP trong cuộc đua rút - nộp hồ sơ. 

Tuy nhiên, hình thức nộp qua bưu điện và qua mạng trực tuyến lại khiến thí sinh và người nhà chưa thật an tâm. Em Trịnh Bá Hiệp, tỉnh Nam Định chia sẻ: “Khi đến trường nộp là biết chắc phiếu ĐKXT đã đến nơi, chứ nộp qua bưu điện là thấp thỏm không biết đã đến chưa, còn nộp qua mạng thì ví dụ vào những ngày cuối, em sợ là mạng của trường bị nghẽn thì sao?”. 

Nỗi lo về hạ tầng cơ sở thông tin là hoàn toàn có căn cứ, khi mỗi một cổng thông tin tuyển sinh của trường chỉ cho phép số truy cập có hạn, nhưng những ngày cao điểm của đợt ĐKXT thì lượng truy cập lớn hơn rất nhiều. Năm 2015, theo quy định, thí sinh có thể vào xem vị trí điểm của mình ở đâu. Nhưng mạng nghẽn liên tục. Nhiều trường ĐH có lượng thí sinh lớn như: ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng… mạng “đơ” liên tục, khiến thí sinh và người nhà phải trực tiếp lên trường theo dõi từ các bảng thông tin dán ở trường hoặc bảng thông tin điện tử. 

PGS.TS Lê Trọng Thắng, trường ĐH Mỏ địa chất, cho rằng nội dung thông tư quy định thí sinh nộp phiếu ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng kí trực tuyến cần phải nghiên cứu lại. Nộp phiếu ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh là cách thức đã được làm nhiều năm qua. Ngoài một số trường hợp bưu điện chuyển nhầm địa chỉ phải xử lý, nhìn chung không có vấn đề gì lớn xảy ra. Tuy nhiên, theo hình thức này cần nêu rõ thời hạn xét tuyển cuối cùng của từng đợt phải căn cứ vào dấu bưu điện. 

Với hình thức đăng ký trực tuyến, có vẻ như thuận lợi cho thí sinh, nhưng thực chất nó chỉ thuận lợi khi đã có đồng bộ hệ thống thanh toán lệ phí ĐKXT qua tài khoản. Hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ xác nhận thí sinh đã ĐKXT sau khi xác nhận thí sinh đã nộp lệ phí qua tài khoản. Nếu thí sinh sau khi đăng ký trực tuyến xong lại phải ra bưu điện để chuyển tiền lệ phí ĐKXT thì sẽ làm giảm ý nghĩa và sự tiện lợi của hình thức đăng ký trực tuyến. Theo hình thức này có thể sẽ xảy ra nhiều trường hợp thí sinh đăng ký trực tuyến nhưng lại không nộp lệ phí ĐKXT, gây khó khăn cho cơ sở đào tạo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, Bộ dự kiến đưa ra quy định này là rút kinh nghiệm từ công tác tuyển sinh năm 2015. Năm ngoái, ngoài đăng ký trực tuyến và qua bưu điện, thí sinh được trực tiếp đăng ký tại trường. Do chưa xét đến yếu tố tâm lý phụ huynh và thí sinh đều muốn đến nộp trực tiếp tại trường thì mới an tâm nên năm ngoái xảy ra một số rắc rối mà Bộ không thể khống chế được. Nếu năm nay mình vẫn tiếp tục cho phép thí sinh tới trường nộp thì không chỉ những em nhà gần trường mà thí sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa… vẫn sẽ cứ ùn ùn chạy về TP, trong khi việc này lại không cần thiết. 

Theo ông Bùi Văn Ga: “Thực ra quy định thí sinh chỉ nộp hồ sơ qua bưu điện mình đã quy định từ thời kỳ “3 chung”, giờ thì thêm hình thức đăng ký trực tuyến. Nếu nói nhà gần trường nên không cần qua bưu điện, vậy tại sao anh không ngồi tại nhà đăng ký luôn qua mạng internet, còn tiện hơn cả việc tới trường? Quy định đó phù hợp, tránh tình trạng tập trung thí sinh tới trường, các trường không còn phải bố trí bàn đăng ký để tiếp nhận hồ sơ nữa. Như thế các trường cũng thuận lợi, thí sinh cũng không phải đôn đáo chạy xuôi chạy ngược, thậm chí thuê xe cứu thương chạy 300 km đi nộp hồ sơ như năm ngoái”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý rằng: Bộ nên có quy định các trường phải “phúc đáp” khi nhận được hồ sơ của thí sinh, để các em yên tâm là hồ sơ đăng ký đã đến đúng nơi. Đồng thời có giải pháp kỹ thuật đối với các trường để tránh tình trạng hồ sơ ảo, cũng như không  nghẽn mạng như năm 2015, giúp thí sinh có thể tiện lợi tra cứu. Bộ cũng cần có thêm hướng dẫn về nộp lệ phí thi như thế nào nếu đăng ký qua mạng. Vì vấn đề này vẫn là câu hỏi gây nhiều băn khoăn đối với các trường và thí sinh. 

Phan Thủy (phapluatxahoi.vn – 28/02/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang