Thí sinh không thể đăng ký xét tuyển quá 2 trường
20/02/2016
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về những thay đổi trong quy định xét tuyển năm nay, trong đó có lo ngại về phần mềm xét tuyển.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên hôm qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng kho dữ liệu chung phục vụ công tác xét tuyển của Bộ sẽ thiết kế phần mềm kiểm soát được số nguyện vọng của thí sinh (TS).
Không được đăng ký trực tiếp tại trường
Bộ dự kiến đưa ra quy định TS chỉ đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc qua bưu điện. Nhưng những trường hợp TS có nhà ngay gần trường ĐH mà mình muốn đăng ký xét tuyển thì sao, thưa ông?
Bộ dự kiến đưa ra quy định này là rút kinh nghiệm từ công tác tuyển sinh năm 2015. Năm ngoái, ngoài đăng ký trực tuyến và qua bưu điện, TS được trực tiếp đăng ký tại trường. Do chưa xét đến yếu tố tâm lý phụ huynh và TS đều muốn đến nộp trực tiếp tại trường thì mới an tâm nên năm ngoái xảy ra một số rắc rối mà Bộ không thể khống chế được.
Nếu năm nay mình vẫn tiếp tục cho phép TS tới trường nộp thì không chỉ những em nhà gần trường mà TS nông thôn, vùng sâu vùng xa… vẫn sẽ cứ ùn ùn chạy về thành phố, trong khi việc này lại không cần thiết. Thực ra, quy định TS chỉ nộp hồ sơ qua bưu điện mình đã quy định từ thời kỳ “3 chung”, giờ thì thêm hình thức đăng ký trực tuyến. Nếu anh nói nhà gần trường nên không cần qua bưu điện, vậy tại sao anh không ngồi tại nhà đăng ký luôn qua mạng internet, còn tiện hơn cả việc tới trường? Quy định đó phù hợp, tránh tình trạng tập trung TS tới trường, các trường không còn phải bố trí bàn đăng ký để tiếp nhận hồ sơ nữa. Như thế các trường cũng thuận lợi, TS cũng không phải đôn đáo chạy xuôi chạy ngược, thậm chí thuê xe cứu thương chạy 300 km đi nộp hồ sơ như năm ngoái.
Sẽ có giải pháp kỹ thuật xét nguyện vọng
Bộ dự kiến mỗi TS được cấp một mã số, được đăng ký tối đa 2 trường và mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng? Vậy làm thế nào để các trường biết TS chỉ đăng ký 2 trường chứ không hơn?
Vấn đề này sẽ được giải quyết bằng giải pháp kỹ thuật. Chúng ta sẽ có một cơ sở dữ liệu chung do Bộ quản lý và bất kỳ trường nào cũng có thể truy cập. Với TS, nếu đăng ký online thì phải nhập mã số của mình mới đăng ký được. Còn trường ĐH, CĐ khi nhận được phiếu đăng ký của TS cũng phải nhập mã số của các em vào kho dữ liệu chung thì mới tải được thông tin của TS vào danh sách xét tuyển của trường mình.
Phần mềm dữ liệu sẽ thiết kế để kiểm soát được mỗi TS đã nhập bao nhiêu nguyện vọng. Nếu đăng ký 2 trường rồi, nhập thêm trường thứ ba, phần mềm sẽ từ chối. Do đó, TS cần lưu ý cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đăng ký vào trường nào, đặc biệt khi gửi đăng ký qua bưu điện. Nếu TS gửi đồng thời nhiều đăng ký đi thì nguyện vọng chính thức của các em sẽ phụ thuộc vào việc trường nào nhập được dữ liệu vào trước. Sau khi đã có 2 trường nhập dữ liệu của TS thì trường thứ ba sẽ không nhập được nữa và đương nhiên TS mất quyền xét tuyển vào trường đó, mặc dù có thể đó chính là trường mà các em mong muốn nhất.
Nhưng có trường không nhập dữ liệu của TS lên dù đã nhận được đăng ký của các em qua bưu điện thì sao?
Thì họ không lấy dữ liệu của TS từ trên kho dữ liệu chung xuống được và vì thế họ sẽ không có dữ liệu để xét tuyển. Phần mềm sẽ thiết kế để trường chỉ có thể tải dữ liệu của TS xuống danh sách xét tuyển sau khi đã nhập thông tin TS đăng ký vào trường mình vào kho dữ liệu chung.
Bộ có chế tài nào không trong trường hợp trường cố tình không dùng dữ liệu chung mà lập danh sách xét tuyển căn cứ vào thông tin TS cung cấp cho mình?
Sau một đợt xét tuyển, các trường có trách nhiệm cập nhật dữ liệu trên mạng. Chỉ có TS nào mà trường đã tải dữ liệu về, phần mềm mới chấp nhận cho nhập trở lại. Vì vậy danh sách trúng tuyển mới tải về trường được. TS nào đã trúng tuyển rồi thì sẽ bị “đếm”, theo đó các em chỉ có thể cùng trúng tuyển tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành và không nằm trong danh sách trúng tuyển trường thứ 3.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ vẫn đang hoàn thiện phần mềm kho dữ liệu chung. Tất cả các tình huống mà dư luận đặt ra sẽ là “đề bài” Bộ đưa cho bộ phận thiết kế phần mềm. Vấn đề phải làm sao kiểm soát việc các trường nhập dữ liệu lên, rồi danh sách xét tuyển của các trường có nằm trong kho dữ liệu chung hay không… cũng sẽ là một yêu cầu trong “đề bài” đó.
Trúng tuyển mà không nhập học, được xét các đợt sau
Năm ngoái, TS trúng tuyển nguyện vọng trước không được xét tuyển nguyện vọng sau. Năm nay Bộ không đặt ra yêu cầu đó?
Nếu TS trúng tuyển cả 2 trường, các trường sẽ quy định thời gian nhận phiếu kết quả của TS, mà phiếu này mỗi TS chỉ có một. Nếu TS nộp vào trường nào, các em sẽ được xác nhận là học trường đó. Như vậy các em không còn phiếu nào để nộp vào các trường khác.
Sau khi đã nhận phiếu báo kết quả của TS, trường sẽ đưa danh sách trúng tuyển chính thức của mình lên kho dữ liệu chung. Phần mềm của kho dữ liệu sẽ thiết kế để loại những TS đó ra khỏi danh sách xét tuyển các đợt sau.
Nếu TS trúng tuyển nhưng vẫn không nhập học trường nào thì có thể đăng ký xét tuyển vào các trường đợt sau?
Trúng tuyển mà không nhập học thì đương nhiên vẫn được xét đợt sau, vì các em không nộp giấy thì nhà trường sẽ không đưa tên các em lên danh sách đã làm thủ tục nhập học, tên của các em vẫn còn trên hệ thống xét tuyển các đợt tiếp theo. Tên các em chỉ bị loại khi đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường trong đợt xét tuyển trước đó.
Không nên tước đi cơ hội của thí sinh
Việc Bộ vẫn quyết định có 2 loại cụm thi tại mỗi địa phương trong khi đã quy định mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất một cụm thi do trường ĐH chủ trì là không nên. Chỉ nên có một loại cụm thi và không phân biệt cụm nào dành cho TS chỉ dự thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT.
Nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH chỉ quy định 3 môn thi trong số 4 môn thi bắt buộc nên hãy để cho học sinh quyết định việc đăng ký xét tuyển sinh ĐH sau khi có điểm thi; không nên tước đi cơ hội của các em bằng việc phân loại cụm thi.
Bộ dự kiến mức “sàn” xét tuyển CĐ là tốt nghiệp THPT, đây lại là một sự phân biệt không cần thiết. Nên áp dụng cả mức “sàn” này cho tuyển sinh ĐH. Khi học sinh đã phải thi để xét tốt nghiệp THPT trong kỳ thi quốc gia, bằng cấp được Bộ công nhận có nghĩa các em đủ tiêu chuẩn tối thiểu vào ĐH, CĐ.
Mỗi trường ĐH đều sẽ có một ngưỡng điểm chuẩn riêng, trường tốp đầu có thể lấy đến 27 - 28 điểm nhưng có trường chấp nhận đầu vào chỉ cần tốt nghiệp THPT, còn lựa chọn trường nào để học là do học sinh. Thực tế không ít trường ĐH chỉ xét tuyển học bạ nhưng vẫn không tuyển đủ vì học sinh đã cân nhắc rất kỹ về chất lượng đào tạo khi chọn trường.
Đồng ý với chủ trương thu hẹp đối tượng và khu vực ưu tiên như dự thảo. Tuy nhiên nên hạn chế về mức điểm ưu tiên hơn nữa để tránh tình trạng học sinh thành thị điểm cao vẫn trượt còn học sinh ở khu vực ưu tiên điểm thấp vẫn đỗ như đã từng xảy ra hằng năm.
Quy định “không được đăng ký xét tuyển tại trường” chưa thực sự yên tâm vì vô tình thu hẹp các hình thức đăng ký xét tuyển để TS lựa chọn. Thà rằng có nhiều hình thức hơn chứ đừng bớt đi.
PGS Văn Như Cương
(Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh - Hà Nội)
Tuệ Nguyễn (ghi)
|
Ý KIẾN
Phải có chế độ hồi báo
Quy định TS đăng ký xét tuyển qua 2 hình thức trực tuyến và bưu điện là phù hợp. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ theo 2 hình thức này, TS cần được biết chắc chắn hồ sơ mình đã đến với trường ĐH và CĐ hay chưa. Vì vậy, nếu chuyển hồ sơ qua bưu điện cần có chế độ hồi báo tình trạng nhận thư, đăng ký trực tuyến các trường phải cập nhật danh sách TS mỗi ngày lên website.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Vẫn nên duy trì nộp hồ sơ trực tiếp tại trường
Bên cạnh nộp hồ sơ trực tuyến và bưu điện thì vẫn nên duy trì nộp trực tiếp tại trường. Điều này sẽ phù hợp với các TS sinh sống gần khu vực trường muốn nộp hồ sơ. Nếu nhà ngay cạnh trường mà TS vẫn phải ra bưu điện để nộp hồ sơ và ngân hàng nộp lệ phí xét tuyển (nếu nộp trực tuyến) sẽ bất tiện hơn hình thức cũ.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ
(Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Hà Ánh (ghi)
|
Quý Hiên (thực hiện)
Nguồn: thanhnien.com.vn