Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh cao đẳng: Bỏ điểm sàn vẫn khó tuyển sinh

26/02/2016

Mùa tuyển sinh 2016, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến bỏ ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng vào (điểm sàn) của hệ cao đẳng, song thí sinh phải đáp ứng điều kiện tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nhiều trường cao đẳng vẫn lo sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh.

Vẫn khó

Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Trong đó dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng vào (điểm sàn) của hệ cao đẳng nếu thí sinh đáp ứng điều kiện tốt nghiệp THPT.

Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Như vậy năm nay hệ cao đẳng của nhiều trường đại học cũng sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi đối với các trường cao đẳng.

Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2015 đã diễn ra tình trạng đại học “vét” hết sinh viên của cao đẳng bởi các trường đại học có tới 4 đợt xét tuyển. Cùng với đó, năm nay nhiều trường đại học còn thực hiện xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Vậy liệu rằng thí sinh có chấp nhận xét tuyển vào trường cao đẳng trong khi cơ hội vào các trường đại học vẫn rộng mở.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Long, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Sơn La nhận định, mặc dù bỏ điểm sàn đã tạo thuận lợi nhưng nhiều trường cao đẳng vẫn lo không tuyển sinh được. Hiện tại số đông học sinh đều đổ xô vào đại học công lập và dân lập.

Chính vì vậy ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phương Đông cho rằng: dù bỏ điểm sàn cao đẳng nhưng những trường cao đẳng vẫn sẽ gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh.

Nên có nhiều mức điểm sàn

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia gia giáo dục lại kiến nghị có nhiều mức điểm khác nhau, mức điểm sàn này phù hợp với chất lượng đào tạo của từng trường.

Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trường Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để giảm được lượng hồ sơ ảo cần phải có nhiều mức điểm sàn khác nhau. Cần quy định điểm sàn những trường top trên bao nhiêu, trường top dưới bao nhiêu. Từ đó, thí sinh dựa vào mức điểm sàn và dựa vào kết quả thi để nộp hồ sơ xét tuyển vào những trường phù hợp.

Ông Hóa đưa ra ví dụ, đối với những trường top trên như Học viện Tài chính, Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng… có mức điểm sàn riêng cao. Những trường top dưới hơn lại có một mức điểm sàn riêng… “Để có mức điểm sàn phù hợp với mỗi trường, Bộ GD-ĐT cần phải thực hiện phân tầng các trường đại học”, ông Hóa cho biết.

Ông Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường đại học Hòa bình cho biết: Đối những trường đào tạo nguồn nhân lực chủ lực của đất nước cần phải có điểm sàn cao nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Năm 2015, có khoảng 20 trường top trên xét tuyển ở mức điểm 20. Điểm đầu vào những trường top trên thấp nên việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ khó có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh lại đề xuất, nên xóa bỏ điểm sàn cho cả hệ đại học, bởi học sinh sinh tốt nghiệp THPT có nghĩa là đã được chứng thực đủ điều kiện học tập các trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Điểm sàn vô tình “phủ nhận” kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời các trường nên có chỉ tiêu đánh giá riêng trong tuyển sinh.

Đỗ Hòa (baohaiquan.vn – 25/02/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang