Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Khó tránh công khai “ảo”

Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH, CĐ phải công khai thông tin xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3, tuy nhiên, nhiều trường cho biết phải cân nhắc nên công khai mức độ nào để vừa lợi cho thí sinh vừa lợi cho trường.

 

Dễ lạc hậu về số lượng

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết trường đang cân nhắc việc công khai thông tin xét tuyển NV2, NV3 ở các nội dung: tổng số thí sinh xét tuyển, số lượng xét tuyển từng ngành, hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện… Dù chủ trương của trường là thực hiện theo yêu cầu của bộ nhưng đến nay, trường vẫn chưa thống nhất được mức độ công khai xét tuyển.

 

Ông Lý Ngọc Đức, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, cũng cho biết tinh thần của trường là công khai chỉ tiêu còn lại và điểm xét tuyển. Riêng việc cập nhật số lượng và thông tin hồ sơ xét tuyển hằng ngày thì khó thực hiện vì một phần thiếu nhân sự, một phần phải chờ hồ sơ xét tuyển gửi qua đường bưu điện. Cũng theo ông Đức, lượng hồ sơ xét tuyển về liên tục nên số lượng hồ sơ vừa cập nhật có thể lạc hậu ngay. Do vậy, trường dự tính 3-4 ngày mới cập nhật một lần.

 

Ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, cũng cho biết việc công khai thông tin xét tuyển hằng ngày trường có thể làm đó là cập nhật số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành. Còn thông tin cụ thể về hồ sơ đăng ký xét tuyển như tên họ, kết quả thi… do mất nhiều thời gian và công sức nên sẽ cập nhật dần chứ không thể thực hiện ngay trong ngày. Đối với chỉ tiêu xét tuyển từng ngành, trường sẽ công bố số lượng tương đối bởi tùy thuộc vào số hồ sơ xét tuyển nhận được, trường mới định số chỉ tiêu vào từng ngành, miễn sao bảo đảm không vượt quá tổng chỉ tiêu cho phép.

 

Ông Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho rằng khó nhất của việc công khai thông tin đó là nhân sự và công nghệ. Trường phải bố trí nhân sự để theo dõi liên tục và cập nhật thường xuyên. Việc công khai này ít nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh nên trường sẽ cố gắng làm.

 

Ngành khó tuyển cũng lo

 

Theo đại diện một số trường ĐH, việc công khai thông tin xét tuyển khó tránh khỏi việc công khai “ảo” để có lợi cho trường trong việc xét tuyển. Ví dụ một ngành nào đó đã nhận được lượng hồ sơ xét tuyển vượt chỉ tiêu, để tránh rủi ro thì trường phải cân nhắc để đưa ra một con số hợp lý nhằm tiếp tục thu hút thí sinh vào ngành đó. Ngoài ra, con số được công khai chưa thể hiện hết được thực chất của lượng hồ sơ xét tuyển vì nhiều thí sinh gửi hồ sơ qua đường bưu điện, vào giờ chót, trường mới nhận được. Do đó, thí sinh cũng phải tỉnh táo trước thông tin được công khai.

 

Ông Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng dù công khai số lượng hồ sơ xét tuyển thực chất đi nữa thì việc này cũng không có nhiều ý nghĩa bởi việc xét tuyển phụ thuộc vào chất lượng hồ sơ. Ví dụ có 1.000 hồ sơ vào ngành nào đó nhưng hầu hết hồ sơ không đạt điểm chuẩn là 15 chẳng hạn thì con số 1.000 hồ sơ không có ý nghĩa. “Bộ yêu cầu công khai thế nào thì trường làm thế đó. Tuy nhiên, việc cứ chăm chăm lên máy để nhập liệu, theo dõi thông tin có thể sẽ tạo ra sự lo âu”- ông Cần lưu ý.

 

Đối với những ngành khó tuyển, việc công khai thông tin xét tuyển cũng là điều đáng lo. Ông Lý Ngọc Đức cho rằng với những ngành khó tuyển, khi công khai thông tin trên mạng có thể thí sinh thấy ít hồ sơ quá sẽ rút hồ sơ ra khỏi ngành đó. Còn theo ông Nguyễn Quốc Hợp thì một vài năm trở lại đây, Trường ĐH Văn Hiến đã thực hiện cập nhật số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, có một số ngành ít hồ sơ xét tuyển đã có những phản ứng không ủng hộ do khi công khai ngành đó sẽ mang tiếng là ít hồ sơ, gây e ngại đến tâm lý của thí sinh.

 

Phải cập nhật thông tin hồ sơ từng ngày

Trong phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Bộ GD-ĐT quy định hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: nhận hồ sơ, cập nhật thông tin hồ sơ từng ngày, công bố công khai các thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Các thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 của thí sinh bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số báo danh, khối thi, đối tượng, khu vực và kết quả thi từng môn… Những thông tin này đã được mặc định trong phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011.

 

Thùy Vinh

17/06/2011 – nld.com.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang